Viêm khớp liên cầu là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm khớp liên cầu là hiện tượng khớp bị nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc nhóm liên cầu khuẩn gây nên. Bệnh hình thành chủ yếu là do nhiễm khuẩn trực tiếp hoặc do lan truyền qua đường máu.
Viêm khớp liên cầu là gì?
Viêm khớp liên cầu phát triển khi vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm liên cầu tấn công và xâm nhập trực tiếp vào khớp hoặc lây lan qua máu. Ngoài ra, bệnh hình thành cũng có thể là do nhiễm khuẩn liên cầu trong quá trình phẫu thuật hoặc bị chấn thương. Hầu hết trường hợp viêm khớp nhiễm trùng cấp tính đều do tụ cầu khuẩn và vi khuẩn streptococcus nhóm A hoặc B gây nên. Vị trí khớp thường bị ảnh hưởng là khớp tay, vai, đầu gối và hông.
Bệnh viêm khớp liên cầu có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Thông thường, bệnh thường xuất hiện nhiều ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh chưa tiêm phòng vắc xin chủng khuẩn này. Và hông chính là nơi dễ nhiễm trùng nhất ở trẻ.
Theo các chuyên gia, so với các dạng viêm khớp khác, bệnh viêm khớp liên cầu hiếm khi xảy ra do tác dụng của thuốc kháng sinh trong quá trình chữa trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, một khi bệnh xuất hiện, nếu không tiến hành chữa trị kịp thời có thể làm tăng nguy cơ hình thành biến chứng nguy hiểm. Do đó, để đảm bảo xương phát triển toàn diện và ngăn ngừa di chứng do bệnh để lại, người bệnh nên thăm khám ngay từ đầu khi mới phát hiện dấu hiệu bệnh.
Nguyên nhân gây viêm khớp liên cầu
Như đã đề cập ở trên, viêm khớp liên cầu có thể xảy ra do nhiễm khuẩn liên cầu khi chấn thương hoặc xảy ra khi phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh xuất hiện cũng có thể là do người bệnh mắc các bệnh lý nhiễm trùng các chủng khuẩn thuộc nhóm này nhưng không điều trị kịp thời gây biến chứng viêm khớp.
Dưới đây là một số bệnh lý nhiễm khuẩn liên cầu, đặc biệt là Streptococcus dẫn đến viêm khớp như:
- Viêm họng liên cầu khuẩn
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nhiễm khuẩn da, chốc lở
- Viêm tỵ hầu, tử cung
- Bệnh tinh hồng nhiệt
- Viêm màng tim trong cấp
- Nhiễm khuẩn huyết
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp liên cầu cao?
Những trường hợp sau thường có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp liên cầu cao:
- Người bị chấn thương khớp gần đây
- Người có tiền sử viêm loét ở da
- Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường
- Người sử dụng ma túy bằng đường tiêm tĩnh mạch
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp,…
- Người từng nội soi hoặc phẫu thuật thay khớp nhân tạo
- Bệnh nhân bị hồng cầu hình liềm
- Người bệnh bị nhiễm trùng máu
- Bệnh nhân thực hiện cấy ghép nhân tạo
- Bệnh nhân sử dụng nhiều thuốc gây ức chế hệ miễn dịch
Triệu chứng nhận biết viêm khớp liên cầu
Triệu chứng bệnh thường xuất hiện nhanh chóng. Đau chính là dấu hiệu thể hiện rõ ràng nhất khi bệnh hình thành. Ban đầu, đau nhẹ tại khớp viêm và triệu chứng này thường giảm khi người bệnh ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, càng về sau, đau xuất hiện liên tục và có xu hướng gia tăng ngay cả khi người bệnh không vận động. Nghiêm trọng hơn, đau không chỉ xảy ra ở khớp viêm mà còn lan rộng sang các khu vực khác.
Ngoài các triệu chứng này ra, khi bị viêm khớp liên cầu, bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng bệnh sau:
- Sốt
- Gai rét
- Sưng và đỏ tại vị trí viêm
- Khớp trở nên co cứng và gây khó khăn trong vận động
- Nổi hạch sưng to ở khớp
Biểu hiện viêm khớp liên cầu ở trẻ em và trẻ sơ sinh
- Sốt
- Trẻ khóc nhiều
- Lưỡi bẩn
- Mệt mỏi
- Khó di chuyển các chi hoặc khớp khi nhiễm trùng
Triệu chứng viêm khớp liên cầu ở người lớn
- Đau khớp
- Không thể di chuyển các chi ở khớp bị nhiễm trùng
- Khớp đỏ, sưng
- Sốt
- Ớn lạnh
Biến chứng viêm khớp liên cầu có thể xảy ra?
Bệnh nếu không phát hiện và điều trị sớm, triệu chứng bệnh kéo dài và tăng dần mức độ viêm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Không những thế, viêm nhiễm có thể lan rộng sang các bộ phận khớp khác gây phá hủy khớp xương, làm giảm phạm vi chuyển động của khớp. Nguy hiểm hơn, bệnh kéo dài có thể gây teo cơ và làm mất dần chức năng vận động của các khớp. Thậm chí, ở nhiều trường hợp gây bại liệt vĩnh viễn.
Chẩn đoán bệnh viêm khớp liên cầu
Ngoài khám thực thể, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh trực tiếp bằng cách sử dụng bệnh phẩm như mủ, máu hoặc nước tiểu,… đem nuôi cấy ở môi trường thích hợp. Sau đó, dựa vào đặc điểm hình thể và tính chất khuẩn, nhân viên y tế sẽ phân lập và định danh vi khuẩn.
Ngoài ra, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm CRP: C-reactive protein (CRP) là một chất phản ứng không đặc hiệu, được sản xuất chủ yếu bởi gan trong quá trình viêm cấp tính hoặc mắc một số bệnh lý nào đó. Thủ thuật xét nghiệm này thường được chỉ định để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn. Sau khi thực hiện, nếu chỉ số CRP tăng, khả năng cơ thể nhiễm khuẩn khá cao.
- Xét nghiệm chỉ số ASLO (Anti Streptolysin O): Streptolysin O là một loại kháng nguyên đặc hiệu của nhóm liên cầu khuẩn nhóm A tan trong máu. Trong trường hợp chủng khuẩn này xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp hoặc da gây viêm họng cấp hoặc viêm da mủ,… cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể ASLO. Nếu xét nghiệm ASLO thấy chỉ số tăng trên 200 u/l, nhân viên y tế sẽ kết hợp dương tính. Nghĩa là người bệnh nhiễm khuẩn liên cầu, cần điều trị bằng kháng sinh.
- Thủ tục khác: Chụp x – quang, MRI hoặc CT
Điều trị viêm khớp liên cầu
Hầu hết trường hợp mắc bệnh viêm khớp liên cầu cần điều trị bằng kháng sinh để kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn bệnh phát triển, gây biến chứng. Thuốc điều trị bệnh có thể bao gồm:
- Kháng sinh đường uống: Đối với liên cầu A, thuốc kháng sinh erythromycin và một số loại thuộc nhóm penicillin sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn, ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Còn đối với liên cầu viridans, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phối trộn giữa kháng sinh nhóm aminoglycosit và b lactamin như thuốc streptomycin và penicillin cho bệnh nhân sử dụng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể điều trị bệnh theo kháng sinh đồ. Bên cạnh đó, để giảm đau, nhân viên y tế cũng có thể cho bệnh nhân dùng kem thêm một số loại thuốc giảm đau như paracetanol hoặc aspirin. Tuy nhiên, không sử dụng aspirin cho trẻ em nhằm tránh hội chứng Reye.
- Kháng sinh đường tiêm (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch): Trong trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng, nhân viên y tế sẽ yếu cầu chuyển từ dùng kháng sinh đường uống sang đường tiêm. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng loại thuốc chữa trị khác nhau. Thông thường, Benzathine benzylpenicillin thường được chỉ định tiêm bắp 3 hoặc 4 tuần ở những vùng có nguy cơ thấp để ngăn ngừa bệnh chuyển xấu và tái phát.
Nếu thuốc không mang lại hiệu quả điều trị, nội soi khớp và phẫu thuật mổ hở chính là giải pháp cuối cùng được bác sĩ chỉ định để loại bỏ viêm. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của biện pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Do đó, bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi tiến hành phẫu thuật.
Viêm khớp liên cầu cần điều trị càng sớm càng tốt, bởi bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện triệu chứng bệnh đầu tiên, bệnh nhân cần thăm khám và chữa trị theo yêu cầu của bác sĩ.
→ Có thể bạn quan tâm:
Ngày Cập nhật 18/07/2022
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!