Viêm tai giữa mãn tính có thể gây tử vong, đừng chủ quan trong chữa trị!
Viêm tai giữa mãn tính thường phát triển do giai đoạn viêm tai giữa cấp không được điều trị dứt điểm. Quá trình điều trị viêm tai giữa mãn tính cũng thường phức tạp hơn do người bệnh có khả năng không đáp ứng với thuốc và dễ gặp những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong.
Viêm tai giữa mãn tính là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Cấu trúc tai của con người bao gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Tai giữa bao gồm các xương nhỏ, nằm ở giữa màng nhĩ và ống vòi nhĩ (hay còn gọi là ống Eustachian, vòi Ơ-tát). Nếu ở giai đoạn viêm tai giữa cấp, ống vòi nhĩ chỉ bị viêm dẫn đến tình trạng tích tụ các dịch và mảnh vụn ở tai giữa thì ở viêm tai giữa mãn tính sẽ có cả tình trạng thủng màng nhĩ, dẫn lưu dịch tai dai dẳng từ 2 tuần đến 3 tháng.
Hai dạng thường gặp nhất của viêm tai giữa mãn tính là viêm tai giữa mãn tính mủ nhầy, viêm tai giữa mủ mạn tính. Trong đó, viêm tai giữa mủ mạn tính thường gây hủy hoại các xương tai do có sự xuất hiện của cholesteatoma hoặc viêm xương chũm có hồi viêm.
Với viêm tai giữa mãn tính, dịch nhầy hoặc dịch mủ tồn tại lâu trong ống tai sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn ngày càng phát triển và dễ dàng xâm nhập rộng rãi sang các cơ quan khác. Vì vậy, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như:
- Viêm màng não: Vi khuẩn lan rộng vào dịch não tủy gây tổn thương các dây thần kinh. Người bệnh bị suy giảm trí tuệ, u màng não, viêm màng não mủ, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong
- Liệt cơ mặt: Dây thần kinh số 7 là điểm nối giữa hòm nhĩ và mỏm xương chũm. Viêm tai giữa mãn tính có thể tạo sức ép lên dây thần kinh này gây liệt cơ mặt một bên.
- Tổn thương hệ thống xương tai: Dịch mủ ứ đọng quá lâu có thể ăn mòn hệ thống xương con trong hòm nhĩ, thậm chí gây hoại tử mê nhĩ – bộ phận chính của tai trong có chức năng nghe và giữ thăng bằng thính giác.
- Khiếm thính hoàn toàn: Dịch mủ ứ đọng trong tai không chỉ gây ù tai mà còn có khả năng tạo áp lực lên màng nhĩ gây thủng nhĩ, có thể dẫn đến điếc hoàn toàn.
Để không gặp các biến chứng nguy hiểm trên, người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu, triệu chứng của viêm tai giữa mãn tính từ sớm. Đồng thời nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để thăm khám và phối hợp điều trị tích cực.
Triệu chứng viêm tai giữa mãn tính
Ở tình trạng viêm tai giữa cấp, bệnh nhân thường có những biểu hiện dữ dội như đau nhói sâu trong tai. Khi bệnh chuyển thành mãn tính, người bệnh hầu như ít bị đau tai, chủ yếu là chảy dịch tai dai dẳng, có mùi hôi, khả năng nghe ngày càng kém. Và ở mỗi dạng bệnh cũng có những dấu hiệu riêng biệt như:
- Viêm tai giữa có mủ (dịch) nhầy: Bệnh thường xảy ra ở những người bị viêm mũi, viêm họng nên sẽ có triệu chứng là chảy mủ ở tai và tình trạng này thường tăng lên mỗi đợt viêm họng cấp, viêm mũi.
- Viêm tai giữa có mủ mạn tính xuất hiện cholesteatoma: Cholesteatoma là khối mủ trắng như bã đậu, phát triển bất thường ở tai giữa, có thể ăn mòn các xương con cũng như phá hủy cấu trúc của xương chũm. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện nghe kém, thường xuyên ù tai, chóng mặt, bị mất thăng bằng, tai chảy mủ có mùi hôi thối.
- Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm: Dạng viêm tai này thường đi kèm với bệnh tích cholesteatoma. Do xương chũm bị phá hủy nên bệnh nhân thường gặp các triệu chứng như đau tai dữ dội và có thêm biểu hiện của sự nhiễm trùng là sốt cao đột ngột, kèm theo ù tai, chóng mặt.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa mãn tính
Giống như giai đoạn cấp tính, viêm tai giữa mãn tính cũng xảy ra do sự xâm nhập của các virus và vi khuẩn tạo thành sự nhiễm trùng, sưng viêm ở ống vòi nhĩ. Tuy nhiên, tình trạng chảy dịch tai ở giai đoạn này thường kéo dài dai dẳng, tạo một môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, virus hoạt động mạnh mẽ hơn. Các loại vi khuẩn thường tìm thấy trong người bị viêm tai giữa mãn tính bao gồm:
- Vi sinh vật hiếu khí: Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis, S. aureus, Streptococcus pyogenes, Escherichia coli hoặc các loài Klebsiella
- Vi sinh vật kỵ khí: Peptostreptococcus hoặc Propionibacterium
- Vi khuẩn: Staphylococcus aureus
Các vi sinh vật gây hại có thể thuận lợi xâm nhập vào tai người thông qua:
- Những đợt cấp của viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm VA
- Chấn thương tai do tiếng nổ, sức ép
- Sử dụng các vật cứng nhọn ngoáy tai gây xước tai
- Sau những đợt nhiễm siêu vi: Cảm lạnh, cúm, sởi…
Điều trị viêm tai giữa mãn tính
Viêm tai giữa mãn tính có chữa được không là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm khi ngay ở giai đoạn cấp tính, bệnh cũng khó để điều trị dứt điểm. Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm tai giữa mãn tính hoàn toàn chữa được nếu như bệnh nhân phối hợp điều trị tích cực và biết cách chăm sóc, vệ sinh tai đúng cách. Một số cách chữa có thể được chỉ định là:
Dùng thuốc trị viêm tai giữa mãn tính theo tây y
Sau khi tiến hành nội soi tai và dựa trên khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tùy thuộc vào dạng viêm tai giữa mãn tính và mức độ xuất hiện của các triệu chứng. Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm tai giữa mãn tính bao gồm:
- Thuốc kháng sinh: Amoxicillin hoặc Amoxicillin kết hợp clavulanate, Azithromycin (Zithromax), Cefdinir (Omnicef), Cefpodoxim (Vantin), Ceftriaxone (Rocephin), Cefuroxim (Ceftin), Clarithromycin (Biaxin), Clindamycin (Cleocin).
- Thuốc nhỏ tai tại chỗ: Ciprofloxacin/hydrocortison (Cipro HC Otic), Hydrocortison/neomycin/polymyxin B (Cortisporin Otic), Ofloxacin (Floxin Otic)
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen, Benzocaine (Auralgan), Ibuprofen (Motrin)
Bệnh nhân phải tuyệt đối tuân thủ về liều lượng và cách thức sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Không được tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà vì mỗi dạng bệnh sẽ tương ứng với một loại thuốc điều trị riêng biệt. Điều trị viêm tai giữa mãn tính cũng thường sử dụng thuốc kháng sinh liều cao và kéo dài trong khoảng 10 ngày.
Vì vậy, người bệnh phải sẵn sàng đối mặt với các tác dụng phụ không mong muốn như: sốc phản vệ, dị ứng thuốc, chóng mặt, buồn nôn… Trong trường hợp thuốc không có tác dụng, dịch mủ vẫn tiếp tục chảy nhiều, bệnh nhân nên đến tái khám và chẩn đoán lại tình trạng bệnh.
Phác đồ điều trị viêm tai giữa mạn tính theo đông y
Trong đông y, viêm tai giữa xuất hiện do phong nhiệt và nhiệt độc xâm phạm vào kinh can đởm. Trong đó, viêm tai giữa mạn tính hình thành là do nhiệt độc. Đông y chia viêm tai giữa mãn thành ba thể:
- Can kinh thấp nhiệt: Bệnh nhân thường có các biểu hiện như chảy mủ tai, mủ loãng, đợt này tai đau nhức, chảy mủ tăng lên, vàng đặc, hôi dính, để điều trị thì cần thanh can lợi thấp.
- Hư hỏa ở thận: Triệu chứng thường gặp là mủ chảy nhiều và loãng, tai ù, nghe kém, hoa mắt chóng mặt, ngủ ít, lưng gối mỏi đau, lưỡi khô, ít rêu, mạch tế sác. Để điều trị thì dùng phép dưỡng âm thanh nhiệt, bổ thận thông khiếu.
- Tỳ hư thấp nhiệt: Bệnh nhân có dấu hiệu tai chảy mủ loãng kéo dài, sắc mặt vàng bủng, ăn kém chậm tiêu, đại tiện loãng, mệt mỏi, mạch hoãn nhược, để điều trị thì cần kiện tỳ hóa thấp.
Với mỗi thể bệnh, bệnh nhân sẽ điều trị bằng bài thuốc đông y riêng biệt sau:
- Long đởm tả can thang gia giảm trị can kinh thấp nhiệt: Long đờm thảo (12g), Hoàng cầm (12g), Mộc thông (12g), Sinh địa (12g), Trạch tả (12g), Sa tiên tử (12g), Đương quy (8g), Chi tử (8g), Cam thảo (4g). Một thang thuốc sắc cùng 600ml nước cho đến khi cạn còn 200ml nước thì tắt bếp, để ấm uống. Mỗi ngày dùng một thang.
- Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm trị hư hỏa ở thận: Thục địa (12g), Hoài sơn (16g), Sơn thù (8g), Trạch tả (8g), Đan bì (8g), Phục linh (8g), Tri mẫu (8g), Hoàng bá (8g). Một thang thuốc sắc cùng 600ml nước cho đến khi cạn còn 200ml nước thì tắt bếp, để ấm uống. Mỗi ngày dùng một thang.
- Sâm linh bạch truật tán trị tỳ hư thấp nhiệt: Đảng sâm (12g), Phục linh (8g), Bạch truật (8g), Liên nhục (12g), Ý dĩ (12g), + Cam thảo (4g), Cát cánh (8g), Hoàng bá (8g), Trần bì (8g), Sa nhân (8g) + Hoàng liên (8g) + Bạch biển đậu (16g). Đem tất cả các dược liệu tán thành bột mịn, trộn đều với nhau. Mỗi ngày dùng một lần, mỗi lần lấy khoảng 20g để uống.
Thuốc đông y phù hợp với mọi đối tượng do sử dụng các thảo dược từ tự nhiên. Các thảo dược này ngoài tác dụng đặc trị viêm tai giữa còn điều dưỡng lục phủ ngũ tạng, giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại.
Những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh suy giảm miễn dịch cũng có thể dùng thuốc đông y để điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ gia giảm tỷ lệ thuốc cho phù hợp với thể trạng của từng người nhằm mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Trong một vài trường hợp viêm tai giữa mãn tính dai dẳng, lâu năm hoặc bệnh nhân muốn đẩy nhanh tiến trình trị bệnh có thể phối hợp uống thuốc đông y cùng châm cứu. Châm cứu là một liệu pháp trị liệu lâu đời của y học cổ truyền phương đông, trị bệnh dựa trên nguyên tắc tác động vào các huyệt đạo bằng kim châm qua da hoặc ngải cứu hơ nóng.
Với bệnh viêm tai giữa mãn tính, châm cứu sẽ tác động vào các huyệt như Nhĩ môn, Ế phong, Hợp cốc, Lư tức, Thính cung, Thính hội, Nhĩ môn, Ngoại quan để điều trị. Trong đó:
- Huyệt Ế phong có tác dụng thông nhĩ khiếu, minh mục, khu phong tiết nhiệt
- Huyệt Nhĩ môn có tác dụng sơ tà nhiệt, thông khí cơ
- Huyệt Hợp cốc có thể phát biểu, giải nhiệt
- Huyệt Ngoại quan có tác dụng giải biểu, khu đờm, thông khí trệ ở kinh lạc
- Huyệt Thính cung giúp tuyên nhĩ khiếu, định thần chí
- Huyệt Thính hội tác động vào Can đởm giúp thanh tiết thấp hỏa, khai nhĩ khiếu.
Mỗi thể viêm tai giữa mãn tính sẽ có bộ huyệt điều trị khác nhau, cụ thể:
- Can kinh thấp nhiệt: Ế phong, Nhĩ môn, Phong trì, Hợp cốc, Thái xung
- Hư hỏa ở thận: Nhĩ môn, Ế phong, Thận du, Tam âm giao, Thái khê
- Tỳ hư thấp nhiệt: có thể châm tổ hợp huyệt Hợp cốc – Ế phong – Nhĩ môn; Nhĩ môn – Ế phong – Thính hội – Phong trì – Túc tam lý; Ế phong – Hợp cốc hoặc Phong trì – Thính cung – Ngoại quan
Những người có cơ địa yếu, thể trạng suy kiệt, bị bệnh tiểu đường không nên sử dụng liệu pháp này vì không thích nghi được, châm cứu có thể bị sốc. Ngoài ra liệu pháp này có thể mang lại rủi ro như liệt, teo cơ nếu bác sĩ có tay nghề không tốt, châm thẳng vào dây thần kinh. Do đó, việc châm cứu phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn, có tay nghề cao và người bệnh cần tìm đến các nhà thuốc đông y uy tín, có xác nhận của Bộ y tế để trị liệu.
Phẫu thuật viêm tai giữa
Bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân bị viêm tai giữa mãn tính phẫu thuật trong các trường hợp:
- Tai chảy mủ hôi lâu ngày, điều trị bằng các loại thuốc không có tiến triển
- Viêm tai giữa có cholesteatoma, cần loại bỏ để tránh xương tai bị phá hủy
- Thủng màng nhĩ, phải vá màng nhĩ để tránh vi khuẩn xâm nhập gây viêm tái phát nhiều lần
Trước khi tiến hành phẫu thuật điều trị viêm tai giữa, nếu người bệnh đang bị viêm xoang, viêm họng thì cần điều trị các căn bệnh này trước. Bởi mũi họng là nơi các vi khuẩn trú ngụ với số lượng lớn và có thể xâm nhập vào tai gây viêm tái phát.
Với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân sẽ không phải mổ phanh mà phẫu thuật sẽ thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi. Thời gian thực hiện phẫu thuật thường dao động từ 30 phút đến 1 giờ và bệnh nhân có thể tự chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
Quá trình chăm sóc sau phẫu thuật viêm tai giữa mãn tính rất quan trọng. Ngoài việc phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ, huyết áp, tình trạng ý thức…và dùng các loại thuốc theo chỉ định, bệnh nhân phải chú ý vệ sinh tai và duy trì dinh dưỡng đầy đủ.
Bệnh nhân phải luôn giữ cho tai khô, tránh dính nước vào tai khi gội đầu, tắm rửa. Trong vòng 5-7 ngày đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân nên ăn thức ăn dạng lỏng, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin và khoáng chất. Đồng thời, cần tránh sử dụng các thực phẩm có chứa chất kích thích, cay nóng và nhiều dầu mỡ.
Khi viêm tai giữa đã phát triển thành mãn tính quá trình điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều. Bệnh nhân không được chần chừ trong điều trị mà cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và tiếp nhận điều trị ngay nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong. Chúc bạn trị bệnh thành công!
Ngày Cập nhật 07/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!