Viêm VA Cấp Tính: Dấu Hiệu Và Cách Điều Trị Bệnh
Viêm VA cấp tính là thuật ngữ chỉ tình trạng nhiễm trùng cấp tính tiến triển ở tổ chức lympho nằm ngay phía sau vòm miệng. Nhiễm trùng cấp tính ở cơ quan này thường xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi. Để điều trị, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nâng cao thể trạng, kiểm soát triệu chứng và dùng kháng sinh cho những trường hợp bị vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng và có nguy cơ gây biến chứng.
VA là gì?
VA (Végétations Adénoides) được xác định là một tổ chức mô bạch huyết (lympho) nằm ở phía sau vòm miệng, đây là nơi tiếp giáp giữa họng và mũi. Tương tự như amidan, VA cũng có chức năng nhận diện vi khuẩn và tạo kháng thể chống tác nhân. Tuy nhiên không thể nhìn thấy cơ quan này bằng mắt thường.
Khi có sự xâm nhập của virus và vi khuẩn, VA sẽ nhanh chóng thực hiện sàng lọc các loại vi khuẩn và virus có hại. Sau đó cơ quan này ức chế hoạt động của tác nhân gây bệnh và phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp bằng cách tạo ra kháng thể. VA có xu hướng giảm kích thước khi đến tuổi trưởng thành và chỉ hoạt động mạnh mẽ trong những năm đầu đời.
Viêm VA cấp tính là gì?
Viêm VA cấp tính còn được gọi là sùi vòm mũi họng. Đây là tình trạng viêm nhiễm cấp tính xảy ra và tiến triển ở tổ chức lympho nằm ngay phía sau vòm miệng. Tình trạng viêm nhiễm cấp tính ở cơ quan này thường xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi, đôi khi bệnh có thể xảy ra ở những trẻ lớn hơn và người lớn.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm VA cấp tính
Không giống với tình trạng nhiễm trùng VA mạn tính, những triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng VA trong giai đoạn cấp tính thường xảy ra một cách đột ngột với mức độ nặng nề.
1. Triệu chứng toàn thân
Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng toàn thân thường xuất hiện đột ngột. Trẻ nhỏ có xu hướng sốt cao từ 40 đến 41 độ C. Ngoài ra các hiện tượng phản ứng dữ dội cũng phát hiện. Cụ thể như co giật, co thắt thanh môn.
Đối với những trẻ lớn hơn, triệu chứng của bệnh thường bắt đầu với một cơn sốt cao đột ngột. Bên cạnh triệu chứng sốt cao là tình trạng đau tai, co thắt thanh quản, đôi khi xuất hiện phản ứng màng não nhưng triệu chứng này thường có diễn biến nhẹ hơn so với trẻ sơ sinh.
2. Triệu chứng cơ năng
Trẻ sơ sinh thường xuyên bị nghẹt mũi hoặc bị nghẹt mũi hoàn toàn và phải thở bằng miệng, trẻ có xu hướng thở nhanh, nhịp thở không đều, bó bú và bỏ ăn.
Đối với những trẻ lớn hơn, triệu chứng nghẹt mũi có thể nhẹ hơn. Trẻ không bị nghẹt mũi hoàn toàn nhưng có thể thở ngáy, triệu chứng này xảy ra nhiều hơn vào ban đêm, tiếng nói có giọng mũi kín.
Đối với người lớn, nếu tình trạng nhiễm trùng VA xuất hiện, bệnh nhân có thể bị viêm họng sau lưỡi gà, suy giảm thính giác dẫn đến nghe kém và ù tai.
3. Triệu chứng thực thể
Những triệu chứng thực thể sẽ được nhận thấy khi tiến hành thăm khám, kiểm tra sâu bên trong khu vực bị tổn thương.
- Khám ở hốc mũi: Khi thực hiện khám ở hốc mũi sẽ nhận thấy trong hốc mũi có đầy mủ nhầy, khó hoặc không thể khám vòm họng qua mũi trước. Đối với những trẻ lớn, nếu dịch nhầy trong hốc mũi được hút sạch, sau đó đặt thuốc là co niêm mạc mũi thì có thể nhìn thấy và xác định được tổ chức VA ngay tại nóc vòm phủ bởi lớp mủ nhầy.
- Khám họng: Khi thực hiện khám họng sẽ nhận thấy niêm mạc có dấu hiệu đỏ, niêm mạc thành sau họng được phủ bởi một lớp nhầy có màu vàng hoặc màu trắng, lớp nhầy này từ trên vòm chảy xuống.
- Khám tai: Thực hiện khám tai nhận thấy màng nhĩ mất bóng, hơi lõm vào do tắc vòi nhĩ, trở nên xám đục. Triệu chứng này rất có giá trị trong việc chẩn đoán nhiễm trùng VA.
- Nội soi mũi: Tiến hành nội soi mũi sau hoặc gián tiếp soi cửa mũi sau bằng gương nhỏ đối với người lớn và những trẻ lớn. Lúc này sẽ nhìn thấy và xác định được tổ chức VA ở vòm mũi. Đồng thời họng sưng đỏ, to hơn bình thường và có mủ nhầy phủ lên trên.
- Kiểm tra bằng tay: Khi sờ sẽ nhận thấy có hạch nhỏ xuất hiện ở góc hàm, rãnh cảnh, đôi khi có hạch nhỏ xuất hiện ở sau cơ ức – đòn – chũm, có cam giác hơi đau, không xuất hiện hiện tượng viêm quanh hạch.
Bệnh viêm VA cấp tính xuất hiện do đâu?
Tình trạng viêm VA xảy ra khi có sự xâm nhập của các loại vi khuẩn và virus. Cụ thể như:
- Virus: Myxovirus, Adenovirus, Rhinovirus…
- Vi khuẩn: Tụ cầu vàng, vi khuẩn Haemophilus influenzae, liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A…
Bệnh viêm VA cấp tính có nguy hiểm không?
Nhiễm trùng VA thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Ở giai đoạn cấp tính, bệnh thường không quá nghiêm trọng và có thể sớm khắc phục. Tuy nhiên do các triệu chứng bùng phát đột ngột với mức độ nặng nề nên khiến sức khỏe tổng thể của trẻ bị ảnh hưởng, trẻ thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, chán ăn, bỏ bú và suy giảm hệ miễn dịch.
Ngoài ra nếu không được sớm phát hiện và chữa trị, tình trạng nhiễm trùng VA có thể nhanh chóng tiến triển và trở thành giai đoạn mạn tính (hay còn gọi là VA quá phát). Khi đó VA quá phát sẽ khiến bệnh nhân bị nghẹt mũi kéo dài, không thể thở bằng mũi mà phải thở bằng miệng, thở khò khè, ngáy to, nguy hiểm hơn là ngưng thở khi ngủ. Thông thường VA quá phát sẽ được khắc phục bằng cách can thiệp ngoại khoa (nạo VA).
Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm trùng VA cấp tính còn gây ra nhiều biến chứng khác, bao gồm:
- Viêm tai giữa: Viêm tai giữa được xác định là biến chứng thường gặp nhất của tình trạng nhiễm trùng VA cấp tính. Cụ thể viêm VA có thể gây viêm ở ống tai giữa và làm tắc vòi nhĩ.
- Viêm xoang: Nhiễm trùng VA quá mức khiến VA phì đại. Từ đó làm ảnh hương và khiến quá trình dẫn lưu dịch bị cản trở. Điều này làm phát sinh tình trạng viêm nhiễm ngay tại mô loét xoang.
- Bệnh viêm mũi họng: Tình trạng nhiễm trùng VA kéo dài sẽ gây phì đại VA. Khi đó quá trình hô hấp sẽ bị cản trở và gây nghẹt mũi. Tình trạng nghẹt mũi khiến dịch tiết đọng lại ở hốc mũi do không thể thoát ra được. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng.
Một số biến chứng xa có thể phát sinh từ tình trạng nhiễm trùng VA cấp tính, gồm:
- Bệnh viêm phế quản
- Bệnh viêm thanh khí phế quản
- Viêm đường ruột
- Rối loạn hệ tiêu hóa khiến trẻ chán ăn, bỏ bú
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ
- Nghe kém và thở kém khiến trẻ kém thông minh
- Viêm ổ mắt.
Bệnh viêm VA cấp tính được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh viêm VA cấp tính có thể bị nhầm lẫn thành bệnh viêm xoang, viêm amidan và nhiều bệnh lý về đường hô hấp khác do có nhiều bệnh lý tương tự. Chính vì thế trước khi thực hiện các phương pháp điều trị, phụ huynh nên đưa trẻ nhỏ đến những cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thực hiện các chẩn đoán sau:
- Khám lâm sàng nhằm kiểm tra triệu chứng toàn thân và triệu chứng cơ năng
- Thực hiện khám tai, khám họng và tiến hành nội soi vùng mũi sau
- Tiến hành xét nghiệm công thức máu
- Xem xét và chẩn đoán phân biệt. Cụ thể trẻ nhỏ có VA to nhưng không bị viêm, thường xuyên bị nghẹt mũi do bệnh viêm xoang hoặc lệch vách ngăn mũi, polyp cửa mũi sau, áp xe thành sau họng…
Phương pháp điều trị bệnh viêm VA cấp tính
Đối với những trường hợp bị viêm VA cấp tính, bệnh nhân chủ yếu được hướng dẫn điều trị với các phương pháp giúp kiểm soát triệu chứng, cải thiện thể trạng và hệ miễn dịch. Ngoài ra bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh đối với những trường hợp có nghi ngờ viêm nhiễm do vi khuẩn.
1. Điều trị y tế
Đối với bệnh viêm VA cấp tính, những loại thuốc dưới đây sẽ được bác sĩ chỉ định với mục đích khắc phục tình trạng viêm nhiễm và kiểm soát triệu chứng.
- Thuốc nhỏ mũi sát trùng nhẹ: Những loại thuốc nhỏ mũi sát trùng nhẹ thường được sử dụng là Argyron 1% và Ephedrin 1%.
- Thuốc dạng khí dung mũi: Điều trị nhiễm trùng VA cấp tính bằng thuốc dạng khí dung mũi có chứa corticoid hoặc chứa kháng sinh.
- Thuốc giảm đau hạ sốt: Paracetamol được dùng phổ biến với mục đích hạ sốt và ngăn ngừa tình trạng sốt cao gây co giật.
- Kháng sinh toàn thân: Kháng sinh toàn thân được sử dụng để khắc phục tình trạng nhiễm trùng VA do vi khuẩn. Tùy thuộc vào nhóm vi khuẩn gây nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh đơn độc hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại kháng sinh.
Đối với những trường hợp có dấu hiệu tụ mủ do bệnh viêm VA xuất hiện kéo dài, bệnh nhân sẽ được yêu cầu sử dụng kết hợp thuốc kháng sinh liều cao cùng với phương pháp nạo VA để loại bỏ mủ và tổ chức VA. Tuy nhiên trường hợp này thường không phổ biến.
2. Biện pháp chăm sóc khi bị viêm VA cấp tính
Trong thời gian điều trị nhiễm trùng VA cấp, người bệnh cần áp dụng song song việc sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ cùng với các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Những biện pháp chăm sóc khi bị viêm VA cấp tính gồm:
- Thường xuyên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch sẽ vùng mũi họng cho trẻ. Không chỉ giúp giảm viêm, việc vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý còn hỗ trợ làm loãng dịch nhầy, loại bỏ dịch tiết bên trong hốc mũi, giúp mũi thông thoáng, phòng ngừa nghẹt mũi, thông thoáng đường thở.
- Cho trẻ tắm và xông hơi với nước ấm. Biện pháp này có thể làm giảm tình trạng nghẹt mũi và cải thiện chức năng hô hấp.
- Trong trường hợp đờm ứ ở cổ họng khiến trẻ ho nhiều, phụ huynh có thể pha trà nghệ, nước mật ong ấm, nước chanh gừng, nước cam mật ong… và cho trẻ uống.
- Nên sử dụng phối hợp thuốc giảm đau hạ sống cùng với những cách hạ thân nhiệt an toàn. Cụ thể như chườm khăn, tắm nước mát, mặc quần áo rộng rãi, giữ cho không gian sống thông thoáng…
- Lưu ý cho trẻ uống nhiều nước trong suốt thời gian điều trị bệnh viêm VA để giảm viêm, hỗ trợ làm loãng dịch nhầy và phòng ngừa dịch tiết đọng lại bên trong hốc mũi.
- Cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng cường chức năng hệ miễn dịch và nâng đỡ thể trạng. Nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, các loại củ quả, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa…
Có nên nạo VA khi bị viêm VA cấp tính hay không?
Thông thường phương pháp nạo VA chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm VA quá phát (viêm VA mãn tính). Tuy nhiên phương pháp điều trị này cũng có thể được xem xét và chỉ định cho những trường hợp bị viêm VA cấp tính kèm theo những điều kiện sau:
- Tình trạng nhiễm trùng VA tái phát nhiều lần (khoảng từ 5 đến 6 lần/ năm)
- Tình trạng nhiễm trùng VA làm phát sinh các biến chứng gồm viêm họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan…
Nạo VA là thủ thuật ngoại khoa ít gây biến chứng, đơn giản và có khả năng khắc phục tốt bệnh lý. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, VA là cơ quan giúp nhận diện vi khuẩn và miễn dịch của trẻ, có nhiệm vụ ngăn ngừa viêm nhiễm đường hô hấp dưới và tiêu diệt nhanh vi khuẩn gây bệnh.
Việc nạo bỏ tổ chức VA trong những trường hợp không cần thiết có thể làm giảm chức năng đề kháng của trẻ. Đồng thời làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Chính vì thế, chỉ nên can thiệp ngoại khoa khi tình trạng viêm VA ở trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng phương pháp điều trị bảo tồn hoặc chỉ nạo VA khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Biện pháp phòng ngừa viêm VA cấp tính ở trẻ nhỏ
Tình trạng viêm VA tái phát nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ phì đại VA và viêm VA quá phát. Do đó việc phòng ngừa viêm VA cấp tính xuất hiện, tiến triển và tái phát là điều vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ tốt sức khỏe của trẻ.
Một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm VA cấp tính ở trẻ nhỏ:
- Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên. Đồng thời cho trẻ ăn uống khoa học và bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này giúp nâng cao chức năng của hệ miễn dịch, tăng cường thể trạng và phòng ngừa viêm nhiễm VA cấp.
- Cho trẻ thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần.
- Cho trẻ tiêm chủng đúng với lịch hẹn của bác sĩ.
- Giúp trẻ giữ ấm khi thời tiết lạnh kéo dài hoặc đột ngột thay đổi.
- Không để đến gần những người đang mắc bệnh truyền nhiễm.
- Hướng dẫn trẻ thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng diệt khuẩn.
- Hạn chế cho trẻ ra môi trường ngoài khi dịch bệnh đang bùng phát.
- Cho trẻ áp dụng các biện pháp điều trị cảm lạnh càng sớm càng tốt để phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng VA tái phát.
- Sử dụng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ từ 2 đến 3 lần/ tuần. Đồng thời sử dụng dung dịch rửa tai theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng ngừa tình trạng tắc nghẽn vòi nhĩ.
Bệnh viêm VA cấp tính ít gây biến chứng nguy hiểm và thường có đáp ứng tốt khi tiến hành chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì thế, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi bất thường, nghẹt mũi, chảy mũi, sốt và thở bằng miệng trong nhiều ngày. Bên cạnh đó phụ huynh cần chủ động hơn trong việc cho trẻ áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tránh viêm nhiễm phát sinh/ tái phát, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!