Viêm VA Ở Trẻ: Nguyên Nhân Và Cách Chữa
Viêm VA là một trong những căn bệnh hệ tai mũi họng thường gặp ở mọi đối tượng, nhất là trẻ nhỏ. Căn bệnh này gây ra không ít triệu chứng khó chịu, đau rát khiến trẻ dễ mất sức, ốm yếu và sụt cân. Nắm rõ được một số thông tin cụ thể của bệnh viêm VA ở trẻ sẽ giúp quý phụ huynh có những hướng điều trị và cách chăm sóc sức khỏe trẻ phù hợp.
Viêm VA ở trẻ là bệnh gì?
VA được xem là một tổ chức lympho tương tự như amidan nhưng khối VA nằm ở phía sau mũi và trên lưỡi gà. VA giữ chức năng nhận diện vi khuẩn và tạo kháng thể để tiêu diệt chúng. Đây là một trong những vị trí khó thấy ở trẻ nhỏ nên dễ bị bỏ sót trong quá trình khám sức khỏe tổng quát cũng như dễ bị viêm nhiễm cho thường xuyên tiếp nhận với vi khuẩn tấn công vào cơ thể. Phần lớn, bệnh được chẩn đoán thông qua triệu chứng lâm sàng.
VA là bộ phận trong khoang miệng dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Khi đó, chúng sinh ra các triệu chứng lâm sàng điển hình như nghẹt mũi, ho, sốt cao, sự thay đổi trên khuôn mặt,… Một số trường hợp bệnh trở nặng, tái phát nhiều lần có khả năng gây ra các biến chứng sưng VA và làm cho trẻ bị chảy mủ đờm xuống cổ họng gây ngứa họng, ho và sốt toàn thân. Nghiêm trọng hơn là gây ra một số biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Vì sao trẻ hay bị viêm VA?
Để lý giải vấn đề vì sao trẻ nhỏ dễ bị viêm VA, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng hàng đầu đã dẫn chứng một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể hơn:
- Thứ nhất, VA là bộ phần nằm sau mũi, trên lưỡi gà nên bị khuất và thường bác sĩ bỏ qua trong mỗi lần thăm khám và tầm soát. Vì thế nên đã bỏ qua việc soi VA mà chỉ tập trung soi vùng mũi và họng đơn thuần;
- Thứ hai, vai trò chính của VA là phát hiện và ngăn cản sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó tự tạo kháng thể để chống lại. Việc thường xuyên tiếp nhận vi khuẩn hay vi nấm đã khiến VA hoạt động quá sức và dễ dàng bị viêm. Lúc này, bạch cầu không đủ sức chống lại và để vi khuẩn tụ lại có cơ hội gây viêm nhiễm. Và cũng vì vấn đề này mà bệnh viêm VA tái phát nhiều lần;
- Thứ ba, việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện và lạm dụng sẽ gây ra hiện tượng kháng kháng sinh và khiến bệnh trở nên dai dẳng, tái phát nhiều lần;
- Thứ tư, chế độ chăm sóc răng miệng cũng như tiếp xúc nhiều với môi trường sống kém cũng là một yếu tố khiến bệnh viêm VA trở nặng hơn.
Bên cạnh đó, bác sĩ còn chỉ ra nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm VA ở trẻ như: do nhiễm lạnh, có thói quen ăn nhiều đồ lạnh, đang mắc bệnh cảm cúm, sởi, ho gà hoặc do vi khuẩn hay virus tụ sẵn ở mũi họng, khi có cơ hội phát triển thành bệnh.
Triệu chứng của bệnh viêm VA ở trẻ
Thông thường, viêm VA được phân thành hai loại chính là VA cấp tính và VA mãn tính. Mỗi loại cụ thể sẽ có những dấu hiệu nhận biết cụ thể sau:
– Triệu chứng của bệnh viêm VA cấp tính
Viêm VA cấp tính thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ ngay ở độ tuổi 6 – 7 tháng cho đến 4 – 7 tuổi, đôi khi có thể gặp phải ở trẻ lớn hơn. Khi bị viêm VA cấp tính, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Trẻ bị sốt khoảng 38 – 39 độ C, đôi khi có thể lên đến 40 độ C hoặc không xuất hiện cơn sốt;
- Nghẹt mũi thường xuyên, có thể nghẹt một bên hoặc cả hai bên;
- Hơi thở gấp gáp, thở khụt khịt, há miệng để dễ thở;
- Khóc hoặc nói giọng mũi kín;
- Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ có thể bỏ bú hoặc bú ngắt quãng thì không thở được bằng mũi;
- Đôi khi chảy nước mũi ngược vào bên trong họng, lúc đầu trong như nước và dần trở nên đục;
- Thường xuyên mệt mỏi, thích ngủ hơn ăn, chán ăn, dễ quấy khóc và hơi thở có mùi hôi;
- Rối loạn tiêu hóa, nôn trớ hoặc tiêu chảy.
Một số trường hợp bị viêm VA cấp tính cũng có những biểu hiện rất nhẹ và không gây nhiều vấn đề bất lợi cho sức khỏe của con trẻ. Trẻ vẫn có thể vui chơi, ăn uống và sinh hoạt như bình thường. Vì thế, cha mẹ không nên xem nhẹ và bỏ qua không điều trị.
– Triệu chứng của bệnh viêm VA mãn tính
Viêm VA cấp tính nếu không được quan tâm và điều trị sớm rất dễ chuyển sang giai đoạn viêm VA mãn tính (hay còn được gọi là VA quá phát). Đây là một dạng viêm kéo dài và có những triệu chứng lâm sàng sau:
- Nghẹt mũi và chảy nước mũi mãn tính. Chất dịch mũi ở dạng đặc, có mủ và chạy liên tục;
- Các trường hợp bị viêm nhiễm bởi loại trực khuẩn mủ xanh thì lượng chất nhầy tiết ra có màu xanh, mùi hôi nhẹ;
- Nghẹt mũi liên tục, nhiều nhất là về đêm, gây ra tình trạng khó thở, thở khò khè nên trẻ thường thở bằng miệng;
- Trẻ ngủ ngáy to, thi thoảng có cơn ngưng thở rất nguy hiểm.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ thăm khám để được điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị càng sớm không chỉ có phương pháp đơn giản, ít tốn kém mà còn giúp phòng sự xuất hiện của các biến chứng nguy hiểm.
Viêm VA ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?
Như vừa được đề cập, viêm VA là một trong những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Là căn bệnh không gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu được quan tâm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, sai lầm thường gặp ở nhiều phụ huynh là để bệnh tự khỏi hoặc tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể dẫn đến bệnh càng dai dẳng, dễ trở thành mãn tính, nghiêm trọng hơn là xuất hiện biến chứng làm ảnh hưởng sức khỏe.
Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm VA ở trẻ nhỏ:
- Viêm mũi và viêm họng là biến chứng phổ biến nhất của bệnh viêm VA. Nguyên nhân điển hình là do tình trạng nghẹt mũi, vi khuẩn cộng sinh trong mũi sinh sôi và sinh bệnh;
- Dẫn đến bệnh viêm tai giữa – một trong những căn bệnh có thể khiến trẻ bị giảm nghe, thậm chí bị điếc nếu không được điều trị triệt để;
- Biến chứng lâu dài có thể sinh ra bệnh viêm hô hấp, cụ thể là bệnh viêm thanh quản, viêm phế quản,…;
- Trẻ chậm lớn, trí não phát triển kém, tinh thần kém minh mẫn, da xanh xao,…
Nếu không mong muốn con em của mình gặp phải những biến chứng đã được liệt kê, quý phụ huynh nên nhanh chóng đưa trẻ gặp bác sĩ chuyên khoa để có hướng điều trị phù hợp.
Viêm VA ở trẻ – Khi nào cần gặp bác sĩ chuyên khoa?
Khi bị viêm VA dù ít hay nhiều cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và đường thở của trẻ nói riêng. Việc sưng tấy, sưng to sẽ gây cản trở lưu thông không khí, điều này khiến cho bộ não thiếu dưỡng khí kéo theo tình trạng máu lưu thông kém. Bên cạnh đó, chúng còn kéo theo một số biến chứng nguy hiểm khác.
Cách tốt nhất để bệnh viêm VA gây biến chứng cũng như có phác đồ điều trị phù hợp, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay địa chỉ thăm khám có chuyên khoa tai mũi họng nếu nghi ngờ trẻ bị viêm VA. Cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi trẻ mắc bệnh, bởi vì một số biến chứng xảy ra không chỉ khiến sức khỏe tổng thể suy yếu mà trẻ còn kém phát triển, đầu óc kém minh mẫn.
Các phương pháp điều trị viêm VA ở trẻ em
Khi phát hiện có những dấu hiệu của bệnh viêm VA, ba mẹ có thể đưa con trẻ đi khám tại các bệnh viện hoặc phòng khám nhi có chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán tình trạng bệnh, mức độ đang mắc phải. Dựa vào đó, bác sĩ đề ra hướng điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm VA cho trẻ em điển hình:
1. Điều trị viêm VA ở trẻ bằng thuốc (điều trị nội khoa)
Đối với các trường hợp trẻ bị viêm VA ở mức độ nhẹ, bệnh tình có thể được khắc phục bằng cách điều chỉnh cách chăm sóc sức khỏe, thay đổi thực đơn và chú trọng đến việc vệ sinh răng miệng. Nếu cần thiết, cha mẹ có thể cho trẻ dùng thêm một số loại thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt.
Tuy nhiên, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và cho trẻ dùng thuốc khi chưa có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị trẻ bị sốt là hoàn toàn không đúng, bởi vì đây không phải là loại thuốc chữa bách bệnh. Không những vậy, việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cha mẹ cũng cần lưu ý thêm một vấn đề khác cũng hết sức quan trọng. Khi trẻ bị viêm VA và điều trị bằng thuốc kháng sinh ở những lần đầu sẽ mang lại hiệu quả khá tốt. Nhưng sử dụng nhiều rất dễ khiến cơ thể bị lờn thuốc và gây nên tình trạng kháng kháng sinh.
2. Phương pháp nạo VA cho trẻ
Đối với các trường hợp trẻ bị viêm VA mãn tính làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ hoặc việc điều trị bằng thuốc không mang lại kết quả khả quan, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định điều trị bằng phương pháp nạo VA. Thông thường, thủ thuật này thường chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau:
- Bệnh viêm VA tái phát nhiều lần trong năm (khoảng trên 5 lần/ năm);
- Bệnh viêm VA có điều trị nội khoa nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn đi kèm với một số biến chứng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản,…;
- Viêm VA quá phát gây bít tắc cửa mũi sau khiến trẻ thường xuyên bị nghẹt mũi, khó thở và thở khò khè khi ngủ.
Phương pháp nạo VA là một thủ thuật không quá phức tạp, có thể thực hiện dưới hình thức gây mê hoặc gây tê tại chỗ. Trẻ sau khi điều trị có thể về nhà dưỡng bệnh mà không nhất thiết phải nhập viện. Đồng thời, trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường và không nhất thiết phải kiêng nói hay kiêng khem quá mức.
Cách chăm sóc sức khỏe của con trẻ khi bị viêm VA
Song song với việc điều trị viêm VA theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, cha mẹ cũng cần chú ý nhiều đến chế độ ăn uống và lối sinh hoạt hằng ngày của con trẻ. Bởi những yếu tố có thể ảnh hưởng khá lớn đến quá trình hồi phục sức khỏe. Dưới đây là một số vấn đề cụ thể quý phụ huynh cần ghi nhớ:
1. Hạ sốt cơ thể trẻ
Bệnh viêm VA thường kéo theo những cơn sốt từ nhẹ đến cao, tùy vào đối tượng cụ thể. Khi trẻ bị sốt cao nhưng chưa kịp đưa trẻ đến cơ sở y tế khám bệnh thì cha mẹ có thể dùng khăn sạch nhúng nước ấm để lau cơ thể trẻ. Cần lau vùng nách, bẹn, trán, cổ, cánh tay, chân,… Nếu cần thiết, có thể chườm nước lạnh hoặc dùng miếng dán hạ sốt chuyên dụng.
2. Vệ sinh mũi họng cho trẻ mỗi ngày
Khi trẻ bị viêm VA, mũi và họng của trẻ thường xuyên có nhiều sự thay đổi, kèm theo đó là một số triệu chứng cụ thể. Lúc này, việc vệ sinh mũi họng là điều không thể bỏ qua. Khi vệ sinh mũi họng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nếu trẻ bị ngạt mũi nhẹ, chất dịch mũi lỏng và ra ít, có thể sử dụng khăn mềm để lau nhẹ nhàng. Đồng thời, tránh móc sâu vào bên trong mũi của trẻ cũng như cần cẩn thận để phòng tránh trường hợp gây trầy xước;
- Nếu dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nên sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh. Nên cho khoảng 2 – 3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước ngấm làm mề, cha mẹ dùng khăn mềm để day mũi cho gỉ mũi bong ra;
- Đối với trường hợp có nhiều dịch mũi, phụ huynh có thể dùng dụng cụ để hút. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên lạm dụng cách làm này nếu không mong muốn làm tổn thương lớp niêm mạc mũi của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ không được dùng miệng trực tiếp hút mũi cho trẻ;
- Tập cho trẻ thói quen súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước mũi thường ít nhất mỗi ngày 2 lần để hỗ trợ làm giảm cơn đau.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ bị viêm VA
Chế độ ăn uống của con trẻ khi bị viêm VA cần đảm bảo yếu tố đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ nuốt để tránh tác động mạnh lên vùng viêm nhiễm. Cụ thể hơn:
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào trong thực đơn ăn uống hằng ngày, nhất là các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi, sữa, thịt, cá,…;
- Trong khoảng thời gian bị viêm VA, trẻ thường có cảm giác chán ăn và sợ bị đau nhiều khi ăn. Do đó, cha mẹ không nên ép con trẻ ăn nhiều, có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ và tăng số lượng ăn nhiều hơn bình thường;
- Cho trẻ em các thức ăn đã được chế biến ở dạng mềm, lỏng và dễ nuốt. Tránh cho trẻ em các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị hay cay nóng;
- Cho trẻ uống đủ lượng nước theo tiêu chuẩn. Đồng thời, có thể cho trẻ uống thêm các loại đồ uống từ rau củ hay hoa quả tươi. Loại đồ uống này vừa có tác dụng bổ sung nước vừa có tác dụng nạp năng lượng cần thiết.
4. Xây dựng lối sinh hoạt lành mạnh
Bên cạnh với chế độ ăn uống khoa học, trẻ nhỏ cũng cần có lối sinh hoạt lành mạnh. Một chế độ sinh hoạt phù hợp sẽ giúp bệnh tình khôi phục được nhanh chóng hơn. Cụ thể hơn:
- Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, các vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc, nhất là chăn màn, áo gối, khăn mặt,…;
- Đeo khẩu trang hay che chắn mũi họng khi ra ngoài để tránh tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm, gió lạnh,…;
- Không cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc lá. Bởi đây cũng chính là tác nhân khiến bệnh viêm VA của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn;
- Cho trẻ hoạt động lành mạnh, vận động cơ thể để nâng cao sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch,…
Viêm VA ở trẻ tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng nếu không được quan tâm và điều trị đúng cách có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con trẻ. Cha mẹ của trẻ cần đặc biệt quan tâm, phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Để biết thêm những thông tin khác, phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với chuyên gia hoặc bác sĩ để được giải đáp thắc mắc.
Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.
Có thể phụ huynh quan tâm:
Ngày Cập nhật 28/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!