Viêm VA Và Viêm Amidan Có Giống Nhau Không? Cách Phân Biệt
Viêm VA và viêm amidan có giống nhau không là thắc mắc chung của người bệnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm VA và viêm amidan đều là những bệnh về đường hô hấp trên và thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên đặc điểm, cơ quan bị tổn thương, triệu chứng lâm sàng và biểu hiện thực thể của hai bệnh lý này không giống nhau. Bên cạnh đó, viêm amidan dễ gây biến chứng nguy hiểm và có diễn tiến phức tạp hơn so với viêm VA.
Viêm VA và viêm amidan có giống nhau không?
Mặc dù viêm VA và viêm amidan đều là những bệnh về đường hô hấp trên thường gặp ở trẻ nhỏ và có một số điểm tương đồng nhất định nhưng đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Nguyên nhân là do tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở hai cơ quan khác nhau. Bên cạnh đó, cả hai bệnh đều có những triệu chứng lâm sàng, tổn thương thực thể, đặc trưng không giống nhau. Mặt khác viêm amidan dễ gây biến chứng nguy hiểm và có diễn tiến phức tạp hơn so với viêm VA.
Bệnh viêm VA là tình trạng nhiễm trùng và viêm xuất hiện ở tổ chức lympho được xác định nằm tại phía sau vòm mũi họng. Thông thường bệnh lý này chỉ xảy ra ở những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi, một số trường hợp xảy ra ở những trẻ lớn hơn và có xu hướng tiêu biến dần khi đến tuổi trưởng thành.
Trong khi đó bệnh viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng và viêm xảy ra ở amidan. Đây chính là hai hạch bạch huyết nằm gọn ở hai bên cổ họng. Viêm amidan không chỉ xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ mà còn thường gặp ở những người trưởng thành.
Cả VA và amidan đều có chức năng nhận diện tác nhân, tạo miễn dịch và bảo vệ đường hô hấp cũng như cơ thể khỏi vi khuẩn, nấm và virus. Tuy nhiên nếu vi khuẩn và virus xâm nhập ồ ạt vào đường hô hấp, một trong hai cơ quan này có thể bị sưng viêm do hoạt động quá mức dẫn đến suy yếu và nhiễm trùng.
Cách phân biệt viêm VA và viêm amidan
Để phân bệnh viêm VA và viêm amidan (dạng viêm và tổn thương thông thường), người bệnh có thể dựa vào các triệu chứng lâm sàng và biểu hiện thực thể dưới đây.
1. Biểu hiện thực thể
VA là cơ quan miễn dịch của cơ thể nằm ở vị trí sau vòm mũi họng. Chính vì thế khi hiện tượng nhiễm trùng và sưng viêm xuất hiện, người bệnh sẽ không thể xác định được những biểu hiện thực thể thông qua mắt thường.
Ngược lại, do vị trí của amidan là hai bên vòm họng nên người bệnh có thể dễ dàng quan sát cơ quan này và những biểu hiện thực thể. Trong trường hợp nghi ngờ bị viêm amidan, người bệnh có thể nhìn vào gương, há to miệng và quan sát. Khi tình trạng viêm nhiễm xuất hiện, amidan sẽ có dấu hiệu sưng đỏ, to hơn bình thường.
Ngoài ra cả bệnh viêm VA và bệnh viêm amidan đều có khả năng khiến hạch bạch huyết ở vùng cổ sung to.
2. Dựa vào triệu chứng lâm sàng
Ngoài việc phân biệt viêm VA và viêm amidan thông qua biểu hiện thực thể, người bệnh cũng có thể nhận biết hai bệnh lý này dựa vào những triệu chứng lâm sàng được liệt kê dưới đây:
Nhận biết bệnh viêm VA
- Bệnh viêm VA cấp tính
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm VA cấp tính gồm:
-
- Sốt cao
- Trẻ thường xuyên quấy khóc, khó chịu
- Hơi thở có mùi hôi
- Nghẹt mũi kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm
- chán ăn, bỏ bú
- Thường xuyên chảy nước mũi (nước mũi trong, nhầy và dày hoặc nước mũi mủ)
- Thở khò khè
- Ngủ ngáy, xuất hiện những cơn ngưng thở khi ngủ.
- Bệnh viêm VA mãn tính
Bệnh viêm VA mãn tính xuất hiện cùng với những triệu chứng sau:
-
- Nghẹt mũi kéo dài, có thể tắc mũi hoàn toàn
- Thường xuyên thở bằng miệng
- Ngủ ngáy, xuất hiện những cơn ngưng thở khi ngủ
- Khó chìm vào giấc ngủ và rất dễ thức giấc
- Thở khò khè.
- VA phì đại
VA phì đại có các triệu chứng gồm:
-
- Gương mặt của trẻ có dấu hiệu thay đổi như miệng hở, trán dô, mũi tẹt, răng mọc lởm chởm, hàm dưới hẹp, hàm trên vẩu
- Ngưng thở khi ngủ
- Chậm nói và nghe kém
- Chậm lớn
- Chậm chạp…
Nhận biết bệnh viêm amidan
- Bệnh viêm amidan cấp tính
Những triệu chứng giúp nhận biết bệnh viêm amidan cấp tính gồm:
-
- Sốt cao
- Có cảm giác đau rát nhiều ở vùng cổ họng, đau nhói lên tai, mức độ đau thường tăng lên khi ho và khi nuốt
- Khàn tiếng, giọng nói thay đổi
- Chán ăn, ăn không ngon miệng
- Đau đầu
- Cơ thể mệt mỏi
- Khát nước
- Nước tiểu có màu đỏ
- Nuốt đau, nuốt vướng
- Môi khô, lưỡi bẩn
- Đau tức ngực, ho có đờm nhầy
- Nóng rát ở vị trí amidan và trong cổ họng.
- Bệnh viêm amidan mãn tính
Bệnh viêm amidan mãn tính xuất hiện kèm theo những triệu chứng sau:
-
- Đau rát cổ họng kéo dài
- Khàn giọng
- Hơi thở có mùi hôi
- Nuốt vướng
- Ho khan hoặc ho khạc có đờm
- Có cảm giác vướng ở cổ họng, đôi khi có biểu hiện nhức nhói
- Sốt cao, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, nổi hạch ở góc hàm
- Khô họng
- Khi quan sát amidan nhận thấy amidan sưng to, đỏ rực lên, xuất hiện mủ ở những khe rãnh, thậm chí hình thành những mảnh giả mạc trắng đục và ổ áp xe quanh amidan ở trường hợp nặng.
- Viêm amidan quá phát
Một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh viêm amidan quá phát gồm:
-
- Ngáy to, ngưng thở khi ngủ
- Chán ăn
- Cơ thể mệt mỏi
- Thường xuyên há miệng khi ngủ
- Nhẹ cân
- Hơi thở có mùi hôi
- Ho khan kéo dài và thường xuyên ho về đêm
- Có cảm giác khó chịu và vướng ở vùng họng.
Nguyên nhân gây viêm VA và viêm amidan
Viêm VA xảy ra chủ yếu do sự xâm nhập của vi khuẩn, một số trường hợp là do virus và viêm nhiễm lây lan từ những cơ quan lân cận. Trong khi đó viêm amidan chủ yếu xảy ra do amidan bị nhiễm virus và xảy ra do sự tác động của nhiều yếu tố khác.
Nguyên nhân gây viêm VA
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Vi khuẩn Haemophilus Influenzae, vi khuẩn tan huyết bêta nhóm A, tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn…
- Nhiễm trùng do virus: Adenovirus, Rhinovirus, Myxovirus…
Nguyên nhân gây viêm amidan
- Nhiễm trùng do virus: Virus Epstein-Barr, virus herpes simplex, virus cúm, virus Parainfluenza, Adenoviruses, Enteroviruses.
- Thực hiện vệ sinh cá nhân kém.
- Có tiền sử hoặc đang mắc những bệnh lý về đường hô hấp do nhiễm khuẩn như ho gà, bệnh sởi.
- Thường xuyên ăn uống lạnh như bia lạnh, nước đá, kem hoặc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
- Sống và làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm.
- Viêm amidan có thể xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột.
Viêm VA hay viêm amidan nguy hiểm hơn?
Viêm VA và viêm amidan đều là hai bệnh lý xảy ra ở đường hô hấp trên do tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Đa số các trường hợp bị viêm nhiễm VA và viêm nhiễm amidan đều không quá nghiêm trọng, bệnh thường xuất hiện với mức độ nhẹ, có đáp ứng tốt với cả biện pháp chăm sóc và phương pháp điều trị chuyên sâu.
Tuy nhiên nếu chủ quan trong việc điều trị, không sớm thăm khám và xử lý, cả bệnh viêm VA và viêm amidan đều sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Biến chứng của bệnh viêm VA
- Viêm tai giữa cấp
- Viêm tai giữa thanh dịch
- Viêm xoang
- Viêm mũi
- Viêm phế quản
- Tăng trưởng sọ mặt
- Áp xe thành sau họng
- Viêm thanh quản
- Viêm thanh khí phế quản
- Viêm phổi
- Viêm họng
- Rối loạn đường tiêu hóa (nôn trớ đi ngoài phân lỏng, đau bụng)
- Làm ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ.
Biến chứng của bệnh viêm amidan
- Áp xe quanh amidan
- Viêm mủ hạch cổ
- Viêm mũi
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa
- Nhiễm trùng máu
- Viêm cầu thận cấp
- Viêm cơ tim, thấp tim
- Viêm đa khớp.
Từ những thông tin nêu trên có thể thấy, cả bệnh viêm VA và bệnh viêm amidan đều có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là khi không được chữa trị kịp thời.
Theo một số nhận định của bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm amidan dễ gây biến chứng nguy hiểm và có diễn tiến phức tạp hơn so với viêm VA.
Phương pháp điều trị viêm VA và viêm amidan
Việc lựa chọn và áp dụng những phương pháp điều trị viêm VA và viêm amidan cần dựa vào mức độ nghiêm trọng và giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn viêm cấp tính và viêm mãn tính, bệnh nhân thường được yêu cầu sử dụng thuốc để điều trị triệu chứng, sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn (trong trường hợp viêm nhiễm xảy ra do vi khuẩn) và áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên đối với giai đoạn viêm nhiễm quá phát hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, bác sĩ chuyên khoa có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện nạo VA và phẫu thuật cắt amidan để chữa trị triệt để, phòng ngừa phát sinh những biến chứng nguy hiểm.
1. Sử dụng thuốc và áp dụng biện pháp chăm sóc tại nhà
Thông thường để điều trị bệnh viêm VA và viêm amidan, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh (sử dụng cho những trường hợp bị nhiễm trùng do vi khuẩn)
- Thuốc giảm đau hạ sốt (Paracetamol)
- Thuốc long đờm.
Bên cạnh việc điều trị viêm nhiễm bằng thuốc, người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện một số biện pháp chăm sóc như sau:
Đối với trẻ bị viêm VA
- Rửa mũi và súc họng bằng nước muối sinh lý để hỗ trợ giảm viêm, tăng dẫn lưu dịch tiết hô hấp ra ngoài và làm giảm tình trạng nghẹt mũi.
- Uống nhiều nước và bổ sung thêm sữa để làm loãng dịch nhầy, hạn chế sổ mũi, nghẹt mũi và làm dịu niêm mạc họng.
- Nên cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ăn dặm với những loại thực phẩm bổ dưỡng. Đặc biệt nên cho trẻ bổ sung nhiều vitamin, protein, axit béo omega-3 và khoáng chất bằng việc tiêu thụ nhiều rau xanh, trái cây, các loại cá béo, thịt, trứng, sữa…
- Chải răng thường xuyên kết hợp với súc miệng bằng nước muối để giảm mùi hôi miệng.
- Giảm sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn lạnh.
- Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để nâng cao thể trạng và sức đề kháng của trẻ.
Đối với trẻ bị viêm amidan
- Thường xuyên súc họng với nước muối sinh lý để cải thiện tình trạng đau rát cổ họng và hôi miệng.
- Sử những loại thực phẩm mềm, thức ăn lỏng và nguội như cháo, súp để phòng ngừa niêm mạc amidan bị kích thích và làm nặng hơn tình trạng sưng đau.
- Khuyến khích trẻ uống mỗi ngày 2 lít nước để làm dịu cảm giác khô và đau ở cổ họng. Đồng thời nên thường xuyên uống những loại trà có tác dụng giảm đau họng và giảm ho như trà gừng, trà chanh mật ong, trà mật ong ấm, trà bạc hà, trà cam quế…
- Chườm khăn lạnh và cho trẻ mặc quần áo thông thoáng để giúp hạn thân nhiệt.
2. Nạo VA và cắt amidan
Nạo VA và cắt amidan thường được xem xét và áp dụng cho những bệnh nhân bị viêm VA phì đại và viêm amidan quá phát. Đối với những trẻ bị viêm nhiễm đồng thời cả hai cơ quan này, bác sĩ chuyên khoa có thể xem xét về việc nạo VA kết hợp với phẫu thuật cắt amidan để ngăn ngừa viêm nhiễm tái phát, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng và điều trị triệt để bệnh lý.
Kỹ thuật nạo VA
- Nạo VA truyền thống bằng thìa nạo
- Nạo VA dưới sự hỗ trợ của phương pháp nội soi
- Nạo VA bằng thiết bị cắt hút
- Nạo VA bằng sóng cao tần hoặc năng lượng điện.
Kỹ thuật cắt amidan
- Cắt amidan truyền thống bằng thòng lọng
- Cắt amidan bằng dao siêu âm
- Cắt amidan bằng laser hoặc sóng điện tử
- Phẫu thuật loại bỏ amidan sưng viêm bằng thiết bị cắt hút
- Phẫu thuật loại bỏ amidan sưng viêm bằng Forcep lưỡng cực
- Sử dụng sóng điện cao tần cắt amidan.
Nạo VA và cắt amidan đều là những thủ thuật ngoại khoa tương đối đơn giản, thời gian thực hiện khoảng 20 đến 60 phút, có hiệu quả cao, ít gây biến chứng và có thời gian hồi phục nhanh. Tuy nhiên các thủ thuật vẫn có khả năng làm phát sinh những rủi ro hậu phẫu.
Chính vì thế sau khi thực hiện phương pháp nạo VA và cắt amidan, người bệnh cần dùng thuốc và áp dụng một số biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa biến chứng.
Bài viết đã tổng hợp thông tin chi tiết giúp giải đáp vấn đề viêm VA và viêm amidan có giống nhau không, đồng thời hướng dẫn cách phân biệt hai bệnh lý này. Hy vọng thông qua thông tin này, người bệnh có thể dễ dàng hơn trong việc nhận biết tình trạng sức khỏe, những vấn đề đang phát sinh và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp
Ngày Cập nhật 06/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!