Bệnh viêm amidan ở trẻ em và những thông tin quan trọng cha mẹ cần nhớ

Viêm amidan ở trẻ em là gì? Triệu chứng bệnh thế nào, nhận biết bệnh nhanh chóng qua những dấu hiệu nào? Tại sao trẻ em lại thường bị viêm amidan? Khi trẻ bị viêm amidan có nên cắt bỏ hay không? Đây chỉ là một vài trong hàng loạt thắc mắc phổ biến của phụ huynh về hiện tượng viêm amidan ở trẻ nhỏ. 

Viêm amidan ở trẻ em là gì? Tại sao bé thường dễ mắc bệnh?

Amidan là một tổ chức lympho nằm bên trong họng có vai trò là tấm khiên bảo vệ họng khỏi các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào. Cơ quan này được tạo thành từ các bộ phận nhỏ hơn tạo thành một vòng được đặt tên là vòng Waldeyer bao gồm: Amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, amidan vòm họng (còn được gọi là VA) và amidan vòi.

Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm amidan
Trẻ nhỏ rất dễ bị viêm amidan

Viêm amidan ở trẻ em được chia làm hai loại là:

  • Viêm amidan cấp tính: Triệu chứng diễn ra nhanh chóng, amidan bị vi khuẩn, virus tấn công nên sưng đỏ.
  • Viêm amidan mãn tính: Amidan đã trở thành ổ phát triển của vi khuẩn, virus khiến triệu chứng kéo dài dai dẳng, bộc phát bất cứ lúc nào. Amidan cấp tính không được điều trị kịp thời sẽ có khả năng chuyển sang amidan mãn tính.

Đặc biệt khi amidan đã viêm mãn tính có thể chuyển biến sang dạng viêm amidan hốc mủ khiến bệnh tái phát liên tục, triệu chứng nghiêm trọng, làm viêm tắc cả đường hô hấp, bệnh nhân khó nuốt, ăn uống không tốt, ngủ không ngon giấc, thậm chí xuất hiện các hạch viêm nhiễm ở cổ. 

Xét về khía cạnh chiều hướng phát triển của bệnh, viêm amidan còn được chia làm hai thể là:

  • Thể viêm xơ teo: Tức là kích thước của amidan dần nhỏ lại.
  • Thể viêm quá phát: Amidan bị sưng to, ửng đỏ. Đây là thể thường gặp ở trẻ nhỏ.

Lý giải về vấn đề tại sao trẻ em thường bị viêm amidan, bác sĩ Lê Phương cho biết, trẻ em thường là đối tượng hay bị viêm amidan nhất vì sức đề kháng của bé còn yếu. Ngoài ra, theo các nghiên cứu y khoa, hoạt động miễn dịch của amidan mạnh nhất ở trẻ có độ tuổi từ 5-15. Sau khoảng thời gian này, amidan không còn hoạt động “xông xáo” nữa nên hiện tượng viêm amidan cũng giảm.

Ở người lớn, khi cơ thể ngày càng phát triển, đặc biệt sau giai đoạn dậy thì, kích thước amidan lại ngày càng nhỏ đi và thoái hóa. Vì thế hiện tượng viêm amidan ở người lớn thường ít hơn trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá chủ quan vì bệnh lý này vẫn có thể xuất hiện nếu người bệnh thường xuyên tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hay có hệ thống miễn dịch kém.

Triệu chứng viêm amidan ở trẻ nhỏ

Theo tư vấn của bác sĩ Lê Phương, phụ huynh có thể nhận diện viêm amidan ở trẻ em thông qua những dấu hiệu điển hình sau đây:

  • Đau rát cổ họng: Khi tình trạng viêm nhiễm dần hình thành tại amidan, cổ họng của trẻ sẽ bị tổn thương từ đó dẫn tới cảm giác đau rát, khó chịu. Với trẻ sơ sinh thường là biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, chán ăn.
  • Khó nuốt, nuốt đau: Niêm mạc trong họng và amidan gặp vấn đề nên khi thực hiện hành động nuốt nước bọt hay nuốt thức ăn, bé sẽ cảm thấy nuốt đau, khó nuốt. Chính điều này dẫn tới hiện tượng biếng ăn, bỏ bữa ở trẻ.
Khi bị viêm amidan trẻ có biểu hiện chán ăn
Khi bị viêm amidan trẻ có biểu hiện chán ăn
  • Chán ăn: Như đã nói ở trên, khi thực hiện quá trình nhai nuốt thức ăn, họng cũng tham gia một phần để thức ăn trôi qua xuống thực quản tới dạ dày. Amidan bị sưng tấy, đau rát nên mỗi lần thức ăn đi qua họng sẽ trực tiếp cọ sát với amidan nên gây đau đớn vì vậy trẻ sẽ tỏ ra ngại nhai nuốt dẫn tới chán ăn.
  • Ho: Cảm giác ngứa ngáy, đau rát tại amidan sẽ kích thích trẻ ho dai dẳng. Dấu hiệu ho cũng là phản ứng của cơ thể nhằm tống khứ các dịch đờm mủ trong họng hoặc mũi trong trường hợp mũi họng tiết dịch đờm.
  • Amidan bị sưng đỏ: Khi trẻ bị viêm amidan, bố mẹ hoàn toàn có thể dễ dàng quan sát thấy biểu hiện amidan sưng to, đỏ ửng bằng mắt thường.
  • Xuất hiện lớp phủ có màu trắng hoặc vàng trên bề mặt amidan: Lớp phủ màu trắng hoặc vàng này xuất hiện trên bề mặt amidan là dấu hiệu đặc trưng cho thấy bé đã bị viêm amidan. Vi khuẩn sẽ trú ngụ tại các điểm này rồi nhanh chóng lây lan sang toàn bộ amidan hoặc bộ phận lân cận.
  • Hơi thở có mùi hôi: Khi vi khuẩn trú ngụ và phát triển trong khoang miệng nói chung và amidan nói riêng, hơi thở của bé sẽ có mùi hôi.
  • Sốt cao: Tình trạng viêm nhiễm luôn đi kèm dấu hiệu đặc trưng là sốt. Trẻ bị viêm amidan sốt mấy ngày, nức độ sốt nhẹ hay nặng phụ thuộc phần lớn vào mức độ viêm nhiễm, tình trạng bệnh.

Đối với trẻ sơ sinh, các con chưa biết nói, chưa diễn tả được cảm giác của mình khi amidan bị viêm. Nhưng phụ huynh có thể chủ động quan sát các biểu hiện bất thường của con như: Bỏ bú, chán ăn, quấy khóc, nhiệt độ cơ thể tăng cao, chảy nước dãi do khó nuốt hoặc nuốt đau, vùng amidan sưng tấy…

Nếu trẻ có các biểu hiện như khó thở, nuốt khó và chảy nước dãi nhiều, sốt cao liên tục… cha mẹ cần đưa con tới ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị, tránh để tình trạng diễn biến trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ

Đâu là nguyên nhân gây viêm amidan ở trẻ nhỏ? Đây là vấn đề cha mẹ cần hiểu rõ để có phương pháp phòng tránh cũng như điều trị bệnh sớm cho con, ngăn ngừa các biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. 

Vi khuẩn, virus

Trong các bệnh lý viêm nhiễm ở đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi, viêm họng hay viêm amidan, vi khuẩn, virus là tác nhân chủ yếu gây bệnh.

Theo đó vi khuẩn gây viêm amidan phổ biến nhất là Streptococcus pyogenes (liên cầu nhóm A). Bên cạnh đó, một số chủng virus có thể gây ra viêm amidan như:

  • Adenoviruses
  • Virus cúm
  • Epstein-Barr
  • Parainfluenza
  • Enteroviruses
  • Herpes simplex

Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ

Trẻ nhỏ thường chưa ý thức được tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng mỗi ngày vì vậy nếu cha mẹ không hướng dẫn và tạo thói quen cho bé thực hiện đánh răng, súc miệng hàng ngày thì nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp trên là rất cao.

Lười vệ sinh răng miệng cũng là một nguyên nhân gây viêm amidan
Lười vệ sinh răng miệng cũng là một nguyên nhân gây viêm amidan

Cụ thể, sau khi ăn uống, thức ăn có thể nhét vào các kẽ răng nếu không được loại bỏ đây sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các loại vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Sâu răng sẽ tạo điều kiện cho tình trạng viêm nhiễm lây lan nhanh chóng sang cả khoang miệng, trong đó có amidan, thậm chí có thể lây lên khu vực mũi và xoang hay tai giữa.

Vệ sinh thân thể không cẩn thận

Trẻ nhỏ thường hiếu động, con luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa các vật, đồ chơi hay thậm chí là đất, cát vào miệng. Điều này sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus đi sâu vào họng gây viêm amidan và một số bệnh lý viêm nhiễm khác.

Nếu các bậc phụ huynh không để ý sát sao, chủ động vệ sinh thân thể sạch sẽ cho các bé, đặc biệt là vùng tay, chân, miệng thì sẽ “tiếp tay” cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.

Sức đề kháng chưa hoàn thiện

Khác với người lớn, hầu hết cơ thể trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch còn yếu, sức đề kháng chưa hoàn thiện do đó trẻ dễ mắc các bệnh lý hơn.

Khi mắc bệnh, tình trạng của bé cũng sẽ phức tạp, chuyển biến nhanh chóng và có khả năng tái lại nhiều lần hơn so với người lớn.

Ngoài ra, trẻ em dễ bị mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng viêm nhiễm sẽ dễ dàng lây lan khiến amidan bị viêm theo.

Các phương pháp điều trị viêm amidan ở trẻ em an toàn, hiệu quả

Để điều trị hiệu quả viêm amidan ở trẻ em, cha mẹ cần hết sức lưu ý nhanh chóng phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ sau đó tiến hành đưa bé tới cơ sở y tế để thăm khám, xác định và có hướng chữa trị phù hợp.

Mẹo dân gian chữa viêm amidan cho bé

Nếu các triệu chứng viêm amidan còn ở thể nhẹ, phụ huynh có thể áp dụng một số mẹo dân gian phổ biến dưới đây.

  • Súc miệng nước muối: Nước muối có tính sát khuẩn khá cao do đó cha mẹ có thể pha loãng muối tinh với nước đun sôi để nguội để bé súc miệng hàng ngày.
Kết hợp mật ong và chanh chữa viêm amidan cho trẻ
Kết hợp mật ong và chanh chữa viêm amidan cho trẻ
  • Mật ong và chanh: Để chữa viêm amidan bằng mật ong và chanh cho bé, bạn vắt lấy nước cốt của nửa quả chanh rồi cho thêm hai thìa mật ong sau đó khuấy đều và cho bé uống. Tuy nhiên cần lưu ý, với trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng mật ong vì có khả năng gây ngộ độc botulism – độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có thể tồn tại trong mật ong.
  • Lá cây xô thơm: Tinh dầu của lá cây xô thơm sẽ giúp xoa dịu tình trạng sưng tấy tại amidan. Theo đó, mẹ đun nước loại lá này lên rồi cho bé uống mỗi ngày.
  • Dấm táo: Đặc tính sát khuẩn của dấm táo cũng khá cao. Cha mẹ lấy một thìa cà phê dấm táo pha với nước ấm rồi cho trẻ súc miệng.

Ngoài các mẹo dân gian kể trên, chúng ta còn có thể sử dụng tỏi để chữa viêm họng cho trẻ bằng cách đập dập trộn với mật ong. Tuy nhiên, tỏi có vị cay nên hầu như các bé sẽ khó hợp tác.

Điều trị viêm amidan ở trẻ em bằng Tây y

Theo phác đồ điều trị viêm amidan ở trẻ em của Bộ Y tế, đối với viêm amidan cấp tính chủ yếu là điều trị triệu chứng, cải thiện hệ miễn dịch, dùng kháng sinh khi viêm amidan do nhiễm khuẩn hoặc đe dọa gây ra biến chứng.

Còn khi viêm amidan mãn tính, triệu chứng dai dẳng, trầm trọng thì phương pháp điều trị là chỉ định phẫu thuật cắt amidan.

Với tình trạng viêm amidan còn nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc. Cụ thể là một số nhóm thuốc sau đây:

Thuốc Hapacol dùng cho trẻ nhỏ
Thuốc Hapacol dành cho trẻ em
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt có chứa Paracetamol: Hapacol, Tylenol, Panadol, Efferalgan…
  • Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp nhiễm khuẩn dùng nhóm beta lactam, nếu dị ứng thì dùng nhóm macrolid.
  • Dung dịch súc miệng: Bicarbonat natri, Borat natri…

Việc dùng thuốc như thế nào, liều lượng bao nhiêu cần phải có sự chỉ định, kê đơn của bác sĩ chuyên khoa, phụ huynh tuyệt đối không tự ý tìm hiểu và mua thuốc về nhà điều trị cho bé.

Khi amidan đã trở thành một ổ viêm nhiễm nghiêm trọng, đe dọa gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm thì chỉ định cắt bỏ sẽ được đưa ra. Cụ thể, thực hiện phẫu thuật dưới gây mê nội khí quản bằng các phương pháp Anse hoặc trực tiếp bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt bằng laser, coblator hoặc dao siêu âm…

Khi trẻ bị viêm amidan có nên cắt bỏ hay không? Nếu viêm nhiễm quá nghiêm trọng, hai bên amidan sưng to, kích thước chèn ép cả vùng họng, gây khó khăn cho hoạt động ăn uống đồng thời đe dọa gây ra biến chứng nguy hiểm thì chỉ định cắt amidan là cần thiết.

Trẻ bị viêm amidan nên ăn gì, kiêng gì?

Bên cạnh việc điều trị viêm amidan bằng các biện pháp kể trên, thầy thuốc Lê Phương khuyên rằng cha mẹ cần lưu ý một số nhóm thực phẩm nên ăn và kiêng ăn.

Khi trẻ bị viêm amidan hãy hạn chế cho trẻ ăn:

  • Hoa quả, rau củ dạng mềm như nước ép, sinh tố hoặc rau củ luộc nhừ để hạn chế sự cọ xát với amidan trong quá trình nhai nuốt.
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây giàu vitamin như cam, chanh, bưởi, xoài, dưa hấu… để tăng cường sức đề kháng đồng thời giảm thiểu triệu chứng khô miệng, rát họng.
  • Súp ngô hay súp bí đỏ vừa giàu vitamin vừa được chế biến dưới dạng lỏng giúp trẻ ăn dễ dàng hơn.
Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng như cháo, súp khi bị viêm amidan
Nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng khi bị viêm amidan

Song song với những thực phẩm nên tăng cường ăn thì trẻ cũng cần phải tránh xa một số nhóm thực phẩm dưới đây:

  • Thức ăn cay, nóng hoặc quá cứng khiến niêm mạc vùng họng đang bị tổn thương lại bị kích thích thêm. Tiêu biểu là các loại hạt, ngũ cốc khô, đồ ăn chứa gia vị tiêu, tỏi, ớt…
  • Nho khô, socola hay đậu phộng là những món ăn có chứa Arginin thúc đẩy sự phát triển của siêu vi gây bệnh.
  • Đồ uống có ga sẽ gây kích ứng cho niêm mạc họng.

Do trẻ nhỏ không thể tự nhận định và diễn tả được tình trạng bệnh lý của bản thân, nên cha mẹ chủ động theo dõi nhằm phát hiện viêm amidan ở trẻ em khi bệnh mới chớm. Từ đó, đưa trẻ đến gặp các bác sĩ để đươc điều trị kịp thời, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. 

Array

Ngày Cập nhật 31/05/2024