Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Bệnh Nhân Sau Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm
Chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm đúng cách không chỉ rút ngắn thời gian hồi phục mà còn góp phần ngăn chặn các biến chứng sau phẫu thuật. Chăm sóc người bệnh sau mổ không chỉ liên quan đến ăn uống mà còn trong sinh hoạt và một số yếu tố khác.
Các mốc thời gian quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm
Trong chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm, việc nắm bắt chính xác các mốc thời gian có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi mỗi thời điểm nhất định, ăn uống và sinh hoạt của người bệnh sẽ rất khác nhau.
- Ngày đầu tiên: Người bệnh cần nằm yên trên giường, hạn chế tối đa việc vận động. Đặc biệt không được vặn xoắn cơ thể;
- Ngày thứ 2 và thứ 3: Có thể đi lại nhẹ nhàng để tiểu tiện nhưng cần sự trợ giúp của người thân;
- Trong 4 ngày đầu: Người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm không được đứng hoặc ngồi quá lâu;
- Tháng đầu tiên sau khi mổ cần ở nhà tịnh dưỡng. Hạn chế tác động đến cột sống;
- Sau 3 tháng: Có thể chơi được những môn thể thao nhẹ nhàng: Đi bộ, tập yoga, bơi lội, xà đơn và đạp xe… Tuy nhiên, khi chơi các môn thể thao này, người bệnh chỉ nên dùng vừa sức. Nếu thấy cơ thể bị đau phải dừng lại, không được gắng gượng;
- Sau 6 tháng và khi cột sống ổn định: Sinh hoạt dần trở lại như bình thường. Có thể chơi hầu hết các môn thể thao. Chú ý hạn chế những môn có tính va chạm mạnh như bóng đá hoặc cần nhiều sức lực như leo núi, chạy nhanh.
Vấn đề thường gặp sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
Khi chăm sóc người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm bạn cần biết một điều rằng cảm giác đau nhức là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, người bệnh có thể còn bị co giật ở cột sống hoặc chân tay; vùng phẫu thuật có cảm giác tê bì như kiến bò… Những dấu hiệu này là hoàn toàn bình thường, không phải biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm. Do đó, bạn không cần phải quá lo lắng. Thông thường, bác sĩ có thể dự trù trước những tình huống này. Họ sẽ kê đơn thuốc chống giãn cơ, chống tê bì và dưỡng thần kinh cho người bệnh sau phẫu thuật. Trong khoảng 3 – 6 tháng, các triệu chứng trên sẽ không còn nữa.
Xem thêm: Phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm mới nhất hiện nay là gì?
Dinh dưỡng cho người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm
Sau mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh có thể ăn khi đã xì hơi. Thức ăn dành cho người sau mổ trong 4 ngày đầu cần đặc biệt lưu ý chọn loại mềm và dễ tiêu hóa. Ví dụ như cháo thịt bằm, canh hầm xương và củ… Trong chế biến món ăn cần tránh sử dụng quá nhiều dầu mỡ và gia vị.
Đồng thời, chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau mổ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm cơ bản gồm: Đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Kiêng cữ một số thực phẩm là cần thiết nhưng kiêng khem quá sẽ khiến cơ thể thiếu chất. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian hồi phục. Ngược lại, nếu ăn quá mức sẽ gây thừa cân. Áp lực lên cột sống khi đó sẽ rất lớn. Và điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến phục hồi sau phẫu thuật.
Những thực phẩm tốt cho người bệnh sau khi mổ thoát vị đĩa đệm
- Vitamin C và A: Có trong các loại trái cây họ nhà cam, cà chua, cà rốt, khoai tây, rau bina…;
- Protein từ thực vật: Các loại đậu và hạt;
- Chất xơ: Các loại rau, nhiều nhất trong rau có màu xanh đậm;
- Canxi: Có thể bổ sung dạng thuốc. Nhưng an toàn và về lâu dài thì bạn vẫn nên bổ sung khoáng chất này qua thực phẩm. Tiêu biểu là một số thực phẩm như: Ngũ cốc, đậu trắng, cải xoăn, sữa chua, đậu bắp, hạnh nhân…
Thực phẩm nên kiêng sau mổ thoát vị đĩa đệm
- Hải sản, thịt đỏ, trứng và một số loại dễ gây dị ứng;
- Thực phẩm khó tiêu hóa và nghèo dinh dưỡng: Đồ lên men, đông lạnh và đóng hộp;
- Không nên ăn các loại rau có nhiều mủ (đặc biệt là rau muống), thực phẩm làm từ nếp (xôi, bánh chưng…);
- Không sử dụng chất kích thích: Bia, rượu, thuốc lá, cà phê và nước ngọt có gas.
Sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm
Trong những ngày đầu sau mổ thoát vị đĩa đệm, người bệnh chỉ nên đi lại nhẹ nhàng dưới sự trợ giúp của người thân. Không được cúi, ưỡn cột sống. Các cử động cần tiến hành chậm rãi để cơ thể thích nghi dần. Đồng thời, trong mọi tư thế đi đứng, ngồi, nằm và thậm chí là tắm, bạn đều phải quan tâm. Cụ thể là:
- Khi ngồi:
Dùng ghế tựa chắc chắn. Chiều cao ghế vừa với chân (chân chạm được đất). Thành ghế cần vuông góc với mặt ghế. Người bệnh không được ngồi bệt xuống sàn và khoanh chân lại. Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, không nên ngồi liên tục quá 30 phút.
- Khi nằm:
Phải nằm ở nơi bằng phẳng. Chọn tư thế cảm thấy thoải mái nhất nhưng không nên giữ tư thế đó quá lâu một chỗ. Khi xoay người, bạn cần thực hiện thật chậm rãi. Nên cần sự hỗ trợ từ người thân. Tuyệt đối không nằm võng hoặc ghế sofa.
- Khi tắm:
Dùng ghế có lưng tựa để hỗ trợ. Không nên ngồi chồm hổm hoặc ngồi ghế quá thấp. Chú ý không để vết thương ướt nước và xà phòng.
- Khi đứng:
Hai chân dang rộng bằng vai. Giữ cho đầu thẳng. Thả lỏng cơ vai và cổ. Trọng tâm cơ thể đặt đều lên cả hai chân.
Cách hỗ trợ hồi phục chức năng sau mổ thoát vị đĩa đệm
-
Ổn định tâm lý cho người bệnh sau mổ thoát vị đĩa đệm
Tâm lý người bệnh ảnh hưởng nhiều đến thời gian hồi phục sau mổ thoát vị đĩa đệm. Do đó, bạn nên giúp người họ giảm căng thẳng và cảm thấy thoải mái. Hãy khuyên người bệnh nghỉ ngơi nhiều hơn và suy nghĩ tích cực. Tâm sự với họ nhiều hơn hoặc khuyên họ làm bạn với sách và âm nhạc.
-
Dùng nẹp cố định
Việc dùng nẹp cố định sẽ được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ hoặc yêu cầu từ người bệnh nếu cảm thấy cần thiết. Thời gian cần đến nẹp là trong khoảng 3 tháng đầu sau khi mổ. Mục đích nhằm cố định vị trí phẫu thuật và hạn chế thấp nhất các tác động bên ngoài. Lưu ý là không nên đeo nẹp triền miên từ ngày này sang ngày khác. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách sử dụng, tháo và đeo nẹp. Nếu lạm dụng dụng cụ hỗ trợ này, cột sống và các cơ xung quanh sẽ bị yếu sau khi vết thương hồi phục.
-
Chườm lạnh để giảm đau
Chườm nóng hay chườm lạnh đều có tác dụng giảm đau sau khi mổ thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, chườm ấm ít khi được áp dụng. Nguyên nhân là nó khiến lượng máu lưu thông nhiều hơn đến vết thương và dễ gây những biến chứng không tốt. Trong khi đó, chườm lạnh vừa kiểm soát cơn đau vừa tác động tích cực lên vị trí phẫu thuật. Nó có thể hạn chế tình trạng co cơ.
-
Hỗ trợ thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu
Tác dụng của các bài tập vật lý trị liệu là tăng sự đàn hồi của cơ bắp và giúp xương chắc khỏe hơn. Qua đó, thời gian hồi phục vết thương sẽ được rút ngắn. Thời điểm thực hiện các bài tập cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia. Trong từng giai đoạn nhất định sẽ có các bài tập phù hợp. Bên cạnh đó, ngày đầu tiên thực hiện nên có sự giám sát của chuyên viên.
Một vài điều quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ thoát vị đĩa đệm
-
Cách hỗ trợ người bệnh sau mổ đứng lên hoặc nằm xuống
Khi người bệnh đang ở tư thế nằm, muốn đứng dậy, bạn giúp họ co chân lại, nghiêng người sang một bên. Sau đó để người bệnh chống hai tay xuống giường rồi hỗ trợ họ ngồi dậy. Lưu ý để cả hai chân tiếp xúc với nền rồi mới đứng thẳng dậy.
Còn nếu người bệnh đang ở tư thế đứng hoặc ngồi muốn nằm thì giúp họ nghiêng người sang một bên và từ từ đặt lưng xuống giường. Sao đó duỗi thẳng hai chân.
-
Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Mọi loại thuốc từ tân dược đến thảo dược đều cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng. Bao gồm cả những loại chỉ bôi ngoài da. Bên cạnh đó, bạn cũng không được tự ý phối trộn các loại thuốc lại với nhau, tăng hoặc giảm liều lượng và thời gian dùng thuốc.
-
Tái khám đúng lịch hẹn
Ngay cả khi tình trạng hồi phục sau mổ thoát vị đĩa đệm tiến triển tốt thì bạn vẫn nên tái khám đúng lịch hẹn. Mục đích là để bác sĩ đánh giá lại hiệu quả của các loại thuốc điều trị và kịp thời ngăn chặn biến chứng có thể xảy ra.
Ngày Cập nhật 05/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!