Kinh nguyệt ra nhiều có sao không? Cách điều trị như thế nào?
Kinh nguyệt ra nhiều là tình trạng thường gặp và gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, công việc và sức khỏe của phụ nữ. Vậy, kinh nguyệt ra nhiều có sao không và đâu là cách điều trị hiệu quả dành cho chị em? Chuyên trang đã liên hệ và tham vấn ý kiến từ bác sĩ Đỗ Thanh Hà để đưa ra câu trả lời cho bạn đọc.
ThS. BS Đỗ Thanh Hà chia sẻ nguyên nhân kinh nguyệt ra nhiều
Kinh nguyệt ra nhiều hay cường kinh là một rối loạn kinh nguyệt rất thường gặp. Đây là tình trạng máu kinh ra nhiều vượt quá 200ml và có số ngày kinh kéo dài trên 7 ngày.
Dấu hiệu đặc trưng của cường kinh gồm có:
- Máu kinh ra nhiều và bạn phải thay băng vệ sinh liên tục.
- Buổi tối phải dậy thay băng lúc nửa đêm.
- Kinh ra nhiều cục máu đông, máu cục, chảy nhiều và liên tục.
- Một số trường hợp kèm rong kinh với số ngày kinh trên 7 ngày.
- Đau bụng, buồn nôn và rất mệt mỏi.
Bác sĩ Thanh Hà cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó phải kể đến:
Mất cân bằng nội tiết tố nữ:
Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kinh nguyệt ra nhiều. Nguyên nhân này thường gặp ở những chị em trong thời kỳ tiền mãn kinh hoặc bạn gái tuổi dậy thì.
Ngoài ra, mất cân bằng nội tiết tố còn do chị em sử dụng thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao, thuốc trị bệnh mãn tính, béo phì, làm việc quá sức…
U xơ tử cung:
Dù là bệnh lành tính nhưng khi kích thước khối u xơ càng lớn thì các triệu chứng mà bệnh gây ra cho người bệnh là rất khó chịu, điển hình là kinh nguyệt ra nhiều. Bên cạnh đó là các triệu chứng khác như: Đau bụng dưới, máu ra ít hơn bình thường giữa chu kỳ kinh nguyệt…
Tăng sản nội mạc tử cung:
Bệnh xảy ra khi lớp niêm mạc trong tử cung được sản sinh ra quá nhiều. Và máu kinh ra nhiều bất thường là triệu chứng điển hình nhất của bệnh lý này.
Polyp cổ tử cung:
Đây là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ đã sinh con và ngoài 20 tuổi, bệnh xuất hiện những khối nhỏ khoảng 2mm ở cổ tử cung. Không chỉ khiến nữ giới đối mặt với triệu chứng máu kinh ra nhiều mà có thể làm gia tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân kinh nguyệt ra nhiều khác:
- Các bệnh lý gây rối loạn đông máu như: Viêm gan, suy gan, Hemophilia… có thể khiến số ngày kinh kéo dài và cường kinh.
- Rối loạn vận mạch, rối loạn chức năng thần kinh thực vật khiến cho các mạch máu ở niêm mạc tử cung co thắt kém.
- Bệnh viêm tiểu khung: Là bệnh nhiễm khuẩn ở các cơ quan trong vùng tiểu khung, bệnh gây ra triệu chứng kinh nguyệt ra nhiều. Bệnh có thể lây nhiễm đường tình trạng hay quá trình tiến hành thủ thuật phụ khoa.
- Ung thư cổ tử cung: Là tình trạng các tế bào tử cung phát triển bất thường không thể kiểm soát, vì thế gây ra tổn thương đến các bộ phận trong cơ thể. Biểu hiện điển hình của bệnh là kinh nguyệt ra nhiều.
- Ung thư nội mạc tử cung: Lúc này các tế bào bất thường ở tử cung và nội mạc tử cung sẽ sinh sản mạnh, gây tổn thương đến tử cung và các cơ quan khác.
Kinh nguyệt ra nhiều có sao không?
So với những dạng rối loạn kinh nguyệt khác thì kinh ra nhiều được đánh giá là có những tác động nghiêm trọng hơn. Nếu không được chữa trị kịp thời bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe sinh sản. Cụ thể, bác sĩ Thanh Hà có nhắc đến một số vấn đề như sau:
Ảnh hưởng đến sinh hoạt:
Máu kinh ra nhiều làm cho vùng kín bị ẩm ướt, chị em sẽ cảm thấy khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt, làm việc. Thậm chí tình trạng này còn khiến người bệnh bất tiện ngay cả việc di chuyển, đi đứng.
Mất máu, thiếu máu:
Do lượng máu kinh ra nhiều hơn so với mức bình thường nên người bệnh sẽ đối mặt với tình trạng mất máu, thiếu máu. Cơ thể người bệnh luôn mệt mỏi, xanh xao, thậm chí còn bị hôn mê nếu thiếu máu nặng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Gây viêm nhiễm phụ khoa:
Kinh nguyệt ra nhiều làm cho vùng kín của chị em luôn trong tình trạng ẩm ướt, dính máu. Đặc biệt, máu và băng vệ sinh là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây viêm nhiễm.
Máu kinh ra nhiều tiềm ẩn bệnh lý:
Không chỉ gây ra khó chịu trong sinh hoạt, công việc của người bệnh mà kinh nguyệt ra nhiều còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý phụ khoa khác như: U xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
Chính vì những ảnh hưởng như vậy nên chị em cần phải quan tâm đến sức khỏe của mình hơn. Khi có hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều bất thường hãy chủ động đi thăm khám ngay để được tư vấn cách điều trị hiệu quả.
Cách điều trị kinh ra nhiều hiệu quả hiện nay
Hiện nay, tình trạng kinh nguyệt chảy ra nhiều có thể được áp dụng bằng nhiều cách khác nhau. Có thể sử dụng phương pháp Tây y hoặc Đông y tùy vào từng trường hợp cũng như mong muốn của người bệnh.
Điều trị bằng Tây y
Với y học hiện đại, bác sĩ sau khi chẩn đoán nguyên nhân kinh nguyệt ra nhiều sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh để sử dụng thuốc hay phương pháp ngoại khoa để điều trị tốt nhất. Cụ thể:
Dùng thuốc:
Thuốc được xem là phương án đầu tiên dùng để khắc phục tình trạng cường kinh (kinh nguyệt ra nhiều) cho chị em. Các thuốc phổ biến được chỉ định gồm có:
- Thuốc nhóm nội tiết: Giúp làm giảm lượng kinh nguyệt, giảm chảy máu, điều hòa chu kỳ kinh, hoặc có thể cầm máu hoàn toàn.
- Thuốc cầm máu: Các loại thuốc cầm máu được sử dụng gồm axit tranexamic và desmopressin. Bác sĩ thường kê đơn trong điều trị cường kinh do bệnh lý rối loạn đông máu.
- Thuốc kháng sinh: Dùng trong trường hợp kinh nguyệt ra nhiều do bệnh phụ khoa ở giai đoạn đầu. Giúp kiểm soát tình trạng bệnh, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nghiêm trọng.
- Axit Tranexamic: Đây là thuốc được kê đơn nhiều trong điều trị tình trạng này. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, dùng mỗi tháng khi bắt đầu chu kì kinh.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Gồm các thuốc như ibuprofen, có công dụng kiểm soát tình trạng chảy máu kinh nhiều và đồng thời giảm đau bụng kinh.
- Bác sĩ cũng có thể kê thuốc khác trong điều trị cường kinh như: Chất chủ vận GnRH (hormone giải phóng Gonadotropin); liệu pháp hormone; thuốc Ulipristal acetate…
Dùng phương pháp ngoại khoa:
- Nếu tình trạng kinh nguyệt ra nhiều nguyên nhân do các bệnh phụ khoa gây ra với các triệu chứng nghiêm trọng, phương pháp điều trị nội khoa không đáp ứng được bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
- Phương pháp điều trị ngoại khoa thường được chỉ định đó là đốt điện nội mạc và cắt tử cung (cắt bỏ hoàn toàn tử cung).
**Lưu ý: Phẫu thuật có thể xảy ra các biến chứng nếu như trình độ bác sĩ không tốt và chuyên môn cao. Chính vì vậy, chị em hãy lựa chọn địa chỉ khám, điều trị uy tín và chất lượng.
Bài thuốc Đông y điều trị kinh nguyệt ra nhiều
Đông y gọi hiện tượng này là kinh nguyệt quá đa, kinh thủy quá đa. Hầu hết kinh nguyệt ra nhiều do mạch Nhâm – Xung bị suy yếu, huyết hải không giữ được huyết gây ra bệnh.
Và để điều trị tình trạng này Đông y sẽ xác định từng thể bệnh, nguyên nhân cụ thể. Bởi mỗi một thể bệnh sẽ có bài thuốc khác nhau. Cụ thể:
- Thể huyết hư: Liên nhục, bạch truật, sài hồ, hoàng kỳ, quy xuyên, mỗi vị 12g; đẳng sâm, hoài sơn, mỗi vị 16g; trích thảo 4g; thăng ma 8g; ý dĩ 20g; trần bì, sa nhân, mỗi vị 6g; bạch linh.
- Thể huyết nhiệt: Bạch thược 12g; hoàng cầm, đan bì, đương quy, sinh địa, mỗi vị 10g; thăng ma, hoàng liên, mỗi vị 5g; xuyên khung, ngải diệp, mỗi vị 3g.
- Thể huyết ứ: Xuyên khung 10g; quy vĩ, bạch thược, mỗi vị 12g; hồng hoa, đào nhân, mỗi vị 8g; tam thất 4g.
Để có cách sử dụng đúng chị em cần đến trung tâm, phòng khám Đông y, bệnh viện uy tín. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa có sự tư vấn và cho phép từ bác sĩ tránh những vấn đề không mong muốn.
Cách hạn chế tình trạng kinh nguyệt ra nhiều
Theo các bác sĩ chuyên khoa, chị em có thể ngăn ngừa, phòng tránh tình trạng cường kinh bằng những cách sau đây:
- Chị em nên có một chế độ sinh hoạt hợp lý, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất bằng cách ngủ đủ giấc, ăn nhiều hoa quả, chất xơ, hạn chế ăn chất béo, đồ lạnh.
- Tránh vận động, làm việc quá sức, thay vào đó chị em hãy tập thể dụng nhẹ nhàng, vừa sức để điều hòa kinh nguyệt.
- Chú ý trong vấn đề vệ sinh vùng kín hàng ngày, nên vệ sinh sạch sẽ, đúng cách. Thay băng thường xuyên 4 tiếng/ lần khi đến kỳ kinh.
- Không được lạm dụng cũng như tự ý sử dụng các thuốc nội tiết sinh dục vì nó sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố trong cơ thể.
- Nên thực hiện thăm khám phụ khoa định kỳ để có thể kiểm soát được tốt nhất sức khỏe cơ quan sinh sản. Sớm phát hiện bất thường để có cách điều trị phù hợp và triệt để nhất.
Hi vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp cho chị em hiểu hơn về tình trạng kinh nguyệt ra nhiều cũng như cách điều trị hiệu quả. Kinh nguyệt ra nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nên khi có dấu hiệu bất thường chị em cần chủ động đi khám ngay. Chúc bạn sức khỏe!
Ngày Cập nhật 03/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!