Mất ngủ ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và mẹo chữa hiệu quả
Mất ngủ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể chất của trẻ, khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, khó tăng cân và chậm lớn. Vì thế đừng bỏ qua những triệu chứng khó ngủ ở trẻ, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục an toàn, hiệu quả với bài viết dưới đây.
Triệu chứng khó ngủ ở trẻ em – Đừng chủ quan!
Trẻ bị mất ngủ có nghĩa là bé khó ngủ hoặc ngủ rất ít vào ban đêm. Mất ngủ ngắn hạn chỉ kéo dài một vài ngày hoặc vài tuần. Mất ngủ lâu dài là khi con bạn khó ngủ ít nhất ba lần một tuần, và vấn đề này kéo dài trong một tháng hoặc lâu hơn.
Giống như người lớn, trẻ em cũng có thể bị mất ngủ hoặc khó ngủ, ngủ không ngon giấc hoặc đơn giản là không cảm thấy thoải mái sau giấc ngủ bình thường. Ngoài việc buồn ngủ vào ban ngày, các triệu chứng mất ngủ ở trẻ em có thể bao gồm:
- Khó ngủ
- Liên tục thức dậy trong đêm và vật lộn để trở lại giấc ngủ mà không có sự can thiệp của người lớn
- Thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại
- Thường có vẻ cáu kỉnh, chán nản
- Ngủ thiếp đi khi đang ngồi trong xe
- Gặp khó khăn khi thức dậy hoặc ngủ thiếp đi sau khi thức dậy cả ngày
- Gặp khó khăn trong việc tập trung ở trường hoặc ở nhà
Nguyên nhân mất ngủ ở trẻ em
Nếu trẻ không ngủ được, đó thường là kết quả của thói quen ban ngày hoặc cách chúng dành thời gian ngay trước khi đi ngủ. Dưới đây là một số lý do tại sao trẻ con không thể ngủ.
Do trẻ em đi ngủ quá muộn: Một lý do phổ biến khiến nhiều trẻ không ngủ đủ giấc là chúng đi ngủ quá muộn. Điều này thường là do chúng tham gia quá nhiều hoạt động hoặc có quá nhiều bài tập về nhà. Hoặc đơn giản là chúng bận nhắn tin muộn, nói chuyện điện thoại, chơi trò chơi video hoặc xem ti vi.
Hãy nhớ rằng trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 12 cần ngủ khoảng 10 đến 11 giờ mỗi đêm và thanh thiếu niên cần khoảng 9 giờ ngủ mỗi đêm mới đảm bảo sức khỏe.
Đồ uống có chứa caffein: Nhiều loại soda và nước tăng lực có chứa caffeine, vì vậy hãy hạn chế cho con uống chúng trước giờ đi ngủ. Tốt hơn hết, hãy cố gắng cắt bỏ những những loại đồ uống này càng nhiều càng tốt.
Do hiện tượng sinh lý: Một số trẻ có thói quen thức đêm là do đau bụng, ngứa ngáy, khó chịu do tã bỉm (0-6 tháng); do mọc răng (6-12 tháng); do hoảng sợ vì xa mẹ (trên 12 tháng…). Các hiện tượng này có thể tự hết nếu trẻ được điều chỉnh thói quen ngủ hợp lý.
Do bệnh lý: Bệnh lý cũng là một nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ em. Một số bệnh thường gặp là còi xương do thiếu canxi, viêm họng, amidam gây khó thở, bệnh tim mạch, tiêu hóa, tăng động, thần kinh.đau chướng bụng, đầy hơi…
Một số trẻ thiếu chất dinh dưỡng như kem, magie, protein, …cũng thường xuyên bị mất ngủ.
Cách trị chứng mất ngủ ở trẻ em
Chứng mất ngủ ở trẻ nhỏ có thể được khắc phục nhanh chóng nếu cha mẹ áp dụng cùng lúc nhiều phương pháp mà chúng tôi liệt kê dưới đây.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Dinh dưỡng và chất lượng giấc ngủ có liên kết với nhau. Nếu trẻ được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất phù hợp với giai đoạn phát triển như vitamin D, B6, kẽm, magie…không chỉ ngủ ngon mà còn phát triển toàn diện về chiều cao và cân nặng. Các loại thực phẩm cha mẹ nên lựa chọn cho con bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, ngũ cốc…
- Thư giãn trước khi đi ngủ
Để con bạn sẵn sàng cho giấc ngủ, hãy bắt đầu thiết lập thói quen thư giãn trước khi đi ngủ. Điều này sẽ kéo dài khoảng 20-45 phút và bao gồm ba đến bốn hoạt động nhẹ nhàng. Một ví dụ có thể là cho con bạn tắm, đọc cho chúng nghe một câu chuyện và hát một bài hát ru. Tuyệt đối không cho chúng xem tivi, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử khác. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này làm gián đoạn chu kỳ ngủ của cơ thể và khiến con khó ngủ hơn.
- Khuyến khích con ngủ bằng cách phần thưởng
Đối với trẻ lớn hơn, lứa tuổi mẫu giáo trở lên, thiết lập một hệ thống khen thưởng, như nhãn dán, phiếu bé ngoan có thể cung cấp một động lực cho hành vi giấc ngủ tốt. Sẽ hiệu quả nhất nếu con kiếm được một phần thưởng nhỏ ngay lập tức, như một miếng dán sticker đầu tiên vào buổi sáng nếu con đi ngủ đúng giờ và ngủ ngon.
- Xây dựng các thói quen tốt
Thiết lập thói quen lối sống tốt vào ban ngày sẽ giúp đảm bảo một đêm nghỉ ngơi tuyệt vời vào ban đêm ở mọi lứa tuổi.
Hãy chắc chắn rằng con bạn chỉ sử dụng giường để ngủ: Con bạn có làm bài tập về nhà hoặc sử dụng máy tính trên giường không? Nếu có, hãy cố gắng khuyến khích con chỉ sử dụng giường cho giấc ngủ hoặc một thói quen trước khi đi ngủ (ví dụ đọc sách). Nếu không, não sẽ vô thức bắt đầu liên kết chiếc giường với các hoạt động khác.
Cố gắng giữ cùng một lịch trình ngủ, ngay cả vào cuối tuần: Điều này sẽ giúp trẻ dễ dàng thức dậy và ngủ một cách tự nhiên.
Ăn nhẹ trước khi ngủ: Một bữa ăn nhẹ (như sữa ấm và chuối) trước khi đi ngủ là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, những bữa ăn nặng trong vòng một hoặc hai giờ trước khi đi ngủ có thể khiến trẻ tỉnh táo.
Tránh cho trẻ uống các sản phẩm chứa caffein, đặc biệt là vào buổi chiều hoặc tối. Chúng bao gồm soda, cà phê, trà hoặc sô cô la.
Khuyến khích tập thể dục tích cực: Tập thể dục thường xuyên ngăn ngừa bồn chồn vào ban đêm. Một giờ mỗi ngày là số thời gian được đề nghị. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ cho con bạn khỏi hoạt động mạnh mẽ trong vòng ba giờ trước khi đi ngủ.
Hãy chắc chắn rằng căn phòng thoải mái: Hãy chắc chắn rằng giường của con bạn không bị quá tải với đồ chơi, vì điều đó có thể gây mất tập trung khi đi ngủ. Phòng ngủ cũng cần yên tĩnh và ánh sáng vừa đủ với sở thích của trẻ (một số trẻ sợ bóng tối khi ngủ).
Không để thiết bị điện tử trong phòng: Trẻ em sẽ không cảm thấy cám dỗ sử dụng thiết bị của mình trong giờ ngủ nếu chúng được giữ bên ngoài phòng ngủ. Điều này bao gồm điện thoại, máy tính bảng, truyền hình, trò chơi video và máy tính.
Dành thời gian chơi với con trước khi ngủ: Một số trẻ muốn thức khuya hơn vì chúng khao khát được cha mẹ chú ý nhiều hơn. Nếu cả hai cha mẹ làm việc vào ban ngày, buổi tối là khi họ nên chơi với con một chút trước khi ngủ. Đối với trẻ sơ sinh, hãy dành một vài phút để hát cho chúng nghe, giao tiếp bằng mắt hoặc tương tác một cách nhẹ nhàng để chúng thư giãn trong đêm.
Thuốc điều trị mất ngủ ở trẻ: Một số trẻ em cần sử dụng đến thuốc hỗ trợ mất ngủ kéo dài. Các loại thuốc này nếu được sử dụng đúng cách, liều lượng phù hợp và có sự tư vấn từ bác sĩ có thể làm trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Ngoài ra, gia đình có thể sử dụng một số thảo dược hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ hiệu quả cho trẻ em như hoa lạc tiên, tía tô, hạt sen, atiso…
Trên đây là nguyên nhân và các cách khắc phục chứng mất ngủ ở trẻ hiệu quả! Hi vọng con bạn có giấc ngủ ngon sau khi áp dụng các phương pháp và chúng tôi đã chia sẻ ở trên.
Ngày Cập nhật 07/06/2023
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!