Rách vòng xơ đĩa đệm nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Rách vòng xơ đĩa đệm là giai đoạn gần cuối của bệnh thoát vị đĩa đệm. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này rất dễ chuyển sang giai đoạn di trú và gây bại liệt vĩnh viễn.
Rách vòng xơ đĩa đệm là gì
Cột sống của con người có 33 đốt sống. Giữa các đốt sống là các đĩa đệm. Nhiệm vụ của chúng là giúp cột sống di chuyển dễ dàng. Cấu tạo của đĩa đệm gồm có bao xơ bên ngoài và nhân nhầy bên trong. Vì một vài lý do nào đó bao xơ bị rách, nhân nhầy bị lòi ra ngoài và chèn ép rễ dây thần kinh. Đây đồng thời cũng là cơ chế gây bệnh thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm được chia thành 4 giai đoạn. Đầu tiên là thoái hóa. Tiếp theo là biến dạng bao xơ. Đến giai đoạn 3, bao xơ bị rách hẳn, nhân nhầy của đĩa đệm bị lòi ra ngoài và chèn ép rễ dây thần kinh. Cuối cùng, ở giai đoạn 4 – giai đoạn di trú, bệnh chuyển sang nhiều biến chứng phức tạp và có thể gây bại liệt vĩnh viễn.
Như vậy, rách vòng xơ đĩa đệm thuộc giai đoạn thứ 3 của bệnh thoát vị đĩa đệm. Đa số các trường hợp phát hiện bệnh đều ở giai đoạn này. Tình trạng đau nhức cột sống sẽ diễn ra dữ dội và có thể vượt ngưỡng chịu đựng. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc nhói lên từng hồi. Nhất là khi người bệnh đi lại nhiều hay vận động mạnh.
Rách vòng xơ đĩa đệm có nguy hiểm không?
Vòng xơ đĩa đệm bị rách là giai đoạn gần cuối trước khi bệnh chuyển sang những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, khoảng thời gian từ giai đoạn 3 đến 4 tiến triển rất nhanh. Do đó, người bệnh cần có những giải pháp can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, khá nhiều người lại chủ quan. Đến khi bệnh chuyển sang biến chứng mới đến bác sĩ. Khi đó, việc chữa trị rất khó khăn và kết quả cũng không cao.
Khi bệnh thoát vị đĩa đệm đã chuyển đến giai đoạn rách vòng xơ thì rất khó để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Kể cả việc dùng đến các phương pháp mổ và thay đĩa đệm nhân tạo thì vẫn không giúp người bệnh khôi phục 100% sức khỏe như bình thường. Trừ khi cơ thể tự tái tạo đĩa đệm mới. Thế nhưng nếu để bệnh tiến triển đến giai đoạn này thì khả năng tự tái tạo gần như là không thể hoặc rất thấp.
Không những thế, nếu để lâu không điều trị, tình trạng này sẽ khiến các đầu khớp bị mòn dần và tổn thương nghiêm trọng. Song song đó, các rễ dây thần kinh bị chèn ép quá mức và quá lâu có thể dẫn đến tê liệt. Những tác động này sẽ gia tăng nguy cơ bại liệt nửa người hoặc toàn thân vĩnh viễn.
Điều trị rách vòng xơ đĩa đệm
Hầu hết các trường hợp bị rách vòng xơ đĩa đệm đều được chữa trị theo phương pháp bảo tồn. Từng trường hợp cụ thể sẽ có phác đồ điều trị riêng. Về tổng thể, phương pháp này gồm:
- Dùng thuốc giảm đau thoát vị đĩa đệm có nguồn gốc Tây y hoặc Đông y;
- Vật lý trị liệu: Xoa bóp, bấm huyệt; chườm nóng hoặc lạnh; châm cứu hoặc thực hiện một số bài tập yoga chữa thoát vị đĩa đệm;
- Chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý.
Trường hợp chuẩn bị chuyển sang giai đoạn 4, các bác sĩ sẽ cân nhắc đến các phương pháp phẫu thuật. Giải pháp này có thể giúp người bệnh giảm cơn đau ngay sau mổ. Tuy nhiên, nó không đồng nghĩa với việc có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Trước đây, người ta mổ hở chữa bệnh thoát vị đĩa đệm. Cách này không tốn quá nhiều chi phí và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra biến chứng cao. Đồng thời người được phẫu thuật cần thời gian dài nằm viện để theo dõi.
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, các phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm mới nhất đã ra đời. Những kỹ thuật mổ nội soi, mổ bằng tia laser, sóng cao tần, thậm chí là dùng đến robot không còn xa lạ nữa. Các phương pháp này đã khắc phục hầu hết các nhược điểm của kiểu mổ truyền thống. Tuy nhiên, nó cần trang thiết bị và tay nghề cao. Đồng thời, chi phí thực hiện cũng khá cao.
Phòng ngừa vòng xơ đĩa đệm bị rách
Rách vòng xơ đĩa đệm khó chữa khỏi hoàn toàn và dễ dẫn đến bại liệt. Do đó, để không mắc phải tình trạng này, bạn cần thực hiện thói quen ăn uống và sinh hoạt và làm việc khoa học. Cụ thể là:
-
Trong công việc:
Nếu phải làm những việc nặng nhọc, bạn cần chú ý tư thế khiêng vác để giảm áp lực lên cột sống. Nên ngồi xuống, dùng lực mông và đùi khi nâng vật nặng. Nếu làm những công việc văn phòng, hãy hạn chế ngồi quá lâu một chỗ. Lúc ngồi hãy giữ lưng thẳng, không nghiêng người ra trước hoặc ngả ra sau quá nhiều.
-
Lối sống
Mỗi ngày bạn nên dành từ 30 – 60 phút để luyện tập thể dục. Nên chọn những bài tập vừa sức. Nếu mình thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cao thì nên chú ý thực hiện các bài tập giúp xương chậu và cột sống chắc khỏe.
-
Chế độ dinh dưỡng
Ăn uống đủ chất luôn luôn là điều rất quan trọng để có một cơ thể khỏe mạnh. Bạn nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi và omega 3 để xương chắc khỏe. Đồng thời, hãy hạn chế hoặc nói không với các chất kích thích. Bởi các chất này không những tác động xấu đến hoạt động của nội tạng mà còn ức chế quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Thiếu khoáng chất này, xương rất dễ bị thoái hóa. Hậu quả có thể dẫn đến tình trạng loãng xương và thoát vị đĩa đệm.
-
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Ngay thời điểm bạn cảm thấy ổn về sức khỏe thì cũng nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ 1 lần. Ở giai đoạn đầu của tình trạng rách vòng xơ đĩa đệm nói riêng và hầu hết các bệnh lý khác nói chung thường không có biểu hiện rõ ràng. Nếu không thăm khám định kỳ, rất khó để chủ động các phương pháp phòng và điều trị bệnh.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
E mới 30 tuổi nhưng đã bị rách vòng xơ đĩa đệm.và lồi đốt sống L4_L5 .từ bé chưa làm việc nặng cũng như hoạt động mạnh.bsĩ nói đây là bệnh bẩm sinh.có thể cho e lời khuyên là có nên mổ hay không ạ.e cảm ơn