Sụn khớp có tái tạo lại được không? Nhận định từ chuyên gia
Có nhiều loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khẳng định giúp cơ thể tái tạo lại sụn khớp. Tuy nhiên, sụn khớp là một loại mô có cấu tạo đặc biệt và không được máu nuôi dưỡng trực tiếp. Chính vì thế sụn khớp có tái tạo lại được không là thắc mắc của nhiều người.
Đặc điểm cấu tạo của sụn khớp
Trước khi tìm đáp án cho câu hỏi sụn khớp có tái tạo lại được không, bạn cần biết về đặc điểm cấu tạo của thành phần này.
Sụn khớp là một trong 3 loại sụn xương. Nó là mô liên kết có tính chất mềm và dẻo. Sụn cứng nhưng không chắc và giòn như xương. Đồng thời, về độ dẻo thì nó không bằng cơ. Lớp sụn làm nhiệm vụ tránh ma sát giữa hai đầu khớp, giảm lực tác động từ bên ngoài và giúp cho việc di chuyển dễ dàng.
Các loại sụn xương
Dựa vào đặc điểm cấu tạo, người ta chia sụn xương thành 3 loại:
- Sụn trong: Ở các khớp, sườn và đường hô hấp. 90% chất cấu tạo nên sụn này là collagen type II;
- Sụn chun: Thành phần là các sợi chun. Nó có ở vành tai và nắp thanh quản. Loại sụn này không bao giờ bị vôi hóa;
- Sụn xơ: Có trong một số dây chằng. Nó cấu tạo từ các sợi collagen type I.
Cấu tạo sụn xương
Mô sụn chứa rất ít tế bào. Số tế bào này không quá 10% tỷ lệ các thành phần của mô. Thay vào đó, nó có hơn 70% là nước và phần còn lại là chất hữu cơ. Tế bào sụn nằm trong các ổ sụn. Chúng phân cách với nhau bởi chất nền (chứa nhiều sợi liên kết khác nhau tùy vào loại sụn xương). Tế bào sụn sinh trưởng bằng cách gian bào hoặc đắp thêm.
Sụn xương không chứa mạch máu vì thế không được máu nuôi dưỡng trực tiếp. Thay vào đó, nó được nuôi dưỡng nhờ sự thẩm thấu. Chính vì thế, khi các mô sụn bị thương tổn, nó cần rất nhiều thời gian để sửa chữa và phục hồi.
Ngoài ra bộ phận này cũng rất dễ bị tác động bởi yếu tố cơ học, tuổi tác và bệnh lý… quá trình này thường diễn ra âm thầm, không có dấu hiệu đặc trưng. Đến khi người bệnh bị đau nhức các khớp thì cũng là lúc các mô bị tổn thương nghiêm trọng.
Các yếu tố làm suy giảm sụn khớp
Tuổi tác
Đây là quy luật tự nhiên. Không chỉ sụn khớp, tất cả các cơ quan trong cơ thể đều bị thoái hóa và suy yếu chức năng. Theo thời gian, dịch khớp sản xuất ra ngày càng ít, sụn khớp bị mài mòn. Đến một lúc nào đó phần sụn không còn nữa. Hai đầu xương cọ sát vào nhau gây khó khăn khi di chuyển. Cơ thể phản ứng lại với tình trạng này bằng cách hình thành các gai xương. Chúng gây đau nhức kinh niên suốt thời gian sống còn lại và dẫn đến những bệnh lý về xương khớp khác.
Chấn thương và chế độ sinh hoạt, ăn uống không khoa học
Nguyên nhân này đa số gặp ở người trẻ. Các chấn thương trong tập luyện hoặc lao động có thể khiến bề mặt sụn bị thay đổi kết cấu và suy giảm khả năng hoạt động. Thêm vào đó một số trường hợp điều trị chấn thương không đúng cách cũng có thể khiến sụn khớp bị thương tổn.
Ngoài ra, thói quen sinh hoạt không khoa học (lười vận động, tập luyện quá sức, đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ…) và ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều gây béo phì hoặc ăn thiếu chất gây suy dinh dưỡng) cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng nguy cơ tổn thương sụn khớp.
Bệnh lý
Các bệnh về mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn chuyển hóa chất, bệnh về máu, xương khớp… có thể là nguyên nhân khiến sụn khớp bị hư hại và mất dần. Trong đó các bệnh lý về xương khớp chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các trường hợp bị tổn thương sụn khớp. Thường gặp là các bệnh như:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Thoái hóa khớp;
- Thoát vị đĩa đệm;
- Gai xương khớp hoặc cột sống;
- U sụn màng hoạt dịch và loạn sản sụn xương: Hai bệnh lý này ít phổ biến hơn những bệnh còn lại.
Sụn khớp có tái tạo lại được không?
Các chuyên gia cho biết sụn khớp có tái tạo lại được không còn tùy vào nguyên nhân khiến sụn khớp thương tổn và đặc biệt là yếu tố tuổi tác. Bước qua độ tuổi trưởng thành, việc sửa chữa các thương tổn ở sụn và khôi phục lại hoạt động của bộ phận này gần như là điều không thể.
Nói cách khác nếu việc suy giảm sụn khớp là kết quả của lão hóa tự nhiên thì không cách nào để đảo ngược lại quá trình này. Bởi các tế bào sụn gần như không còn khả năng sinh trưởng sau tuổi trưởng thành. Thay vào đó, người ta chỉ có thể làm chậm lại và hạn chế phần nào các tác động của nó đến khả năng vận động và sức khỏe nói chung.
Trường hợp đối tượng bị tổn thương sụn khớp vẫn còn trẻ, hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ sẽ phát huy tốt hơn. Kết hợp với đó, bản thân người bệnh cần có sự kiên trì nhất định trong việc thực hành lối sống và ăn uống khoa học. Tuy nhiên, quá trình này sẽ mất rất nhiều thời gian. Đồng thời, việc vận động cũng bị ảnh hưởng phần nào đó.
Cách để tái tạo và phục hồi sụn khớp
Dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng tái tạo sụn khớp
Glucosamine, chondroitin và peptan là các thành phần luôn có trong hầu hết các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng tái tạo sụn khớp. Các chất này kích thích mô sụn sản sinh chất nền và aggrecan (một loại protein đặc hiệu của sụn).
Bên cạnh đó, những người bị bệnh về xương khớp cũng cần bổ sung các chất này để hỗ trợ hoạt động hấp thụ canxi của xương. Mỗi ngày, những người trong độ tuổi trung niên mắc bệnh về xương khớp cần khoảng 1.500mg gvà khoảng 300mg chondroitin sulfat.
Xem thêm: Các loại thuốc tái tạo sụn khớp của Mỹ tốt nhất hiện nay
Tái tạo sụn khớp qua ăn uống
Bên cạnh việc dùng thuốc, bạn có thể bổ sung hoặc cải thiện hiệu quả hoạt động của sụn bằng cách thực phẩm hằng ngày. Tiêu biểu là các loại sau:
-
Omega 3 từ cá béo
Khi bị tổn thương sụn khớp, bạn nên bổ sung các loại cá béo như: cá hồi, cá trích, cá bơn, các thu… hoặc dầu từ các loại cá này và dầu nhuyễn thể (dầu chiết suất từ con nhuyễn thể – một loài tôm nhỏ sống ở Nam cực). Các thực phẩm này tốt cho hoạt động của sụn khớp vì giảm thiểu được lượng cholesterol. Bên cạnh đó, nó còn bảo vệ sụn khớp và ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm.
Ngoài ra, omega 3 là chất hỗ trợ hoạt động của bao hoạt dịch và tăng khả năng chống oxy hóa tốt. Bên cạnh đó, chất này cũng rất tốt cho hoạt động của tim, não và mắt.
-
Sữa
Thành phần collagen trong hầu hết các loại sữa sẽ giúp sụn khớp dẻo dai hơn. Đồng thời, nó còn hỗ trợ các tế bào ở đây tái sinh hoặc sửa chữa những thương tổn. Ngoài ra trong sữa còn chứa lượng lớn canxi và vitamin D (chất xúc tác để cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn). Bổ sung lượng canxi cần thiết sẽ giúp xương chắc khỏe, giảm bớt áp lực cho sụn.
Khi hỗ trợ hoạt động của xương và sụn từ sữa, bạn cần lưu ý là nếu đang thừa cân hoặc trong độ tuổi trung niên thì nên chọn những loại ít hoặc không đường. Hoặc nếu có điều kiện thì bạn nên sử dụng những loại sữa đã tách chất béo.
-
Nước hầm xương
Nước hầm xương luôn đứng đầu trong nhóm thực phẩm tốt cho xương và sụn. Nguyên nhân là xương động vật khi hầm trong một khoảng thời gian nhất định sẽ giải phóng canxi, photpho, collagen và nhiều chất khác vào nước. Đặc biệt, trong số các chất này có glucosamine và proline. Đây là hai chất đặc biệt quan trọng cho sự hình thành các tế bào và sự chắc khỏe của sụn.
Không chỉ tình trạng tổn thương mô sụn, các bệnh lý về xương khớp cũng cần loại thực phẩm này để hỗ trợ cải thiện triệu chứng hiệu quả hơn. Nguyên nhân là trong nước hầm xương có tính kháng viêm tốt và cung cấp canxi giúp hạn chế loãng xương. Mỗi tuần bạn chỉ cần dùng loại nước này chế biến món ăn từ 2 – 3 lần là đủ.
-
Các loại hải sản
Hải sản không chỉ cung cấp canxi cho xương chắc khỏe mà còn có tác dụng hỗ trợ hoạt động của sụn. Bởi nó chứa glucosamine và chondroitin. Ngoài tôm, cua, ghẹ và ốc biển, bạn có thể dùng thêm một số loại khác như cá nhỏ (ăn luôn xương), tép nhỏ (ăn luôn vỏ), cua đồng và rạm sữa (một loài cua nhỏ ở đồng).
Ghép sụn khớp
Khi kết quả của câu hỏi sụn khớp có tái tạo lại được không không như mong đợi. Nghĩa là gần như không thể tái tạo sau tuổi trưởng thành. Các nhà khoa học đau đáu với vấn đề là liệu có thể ghép sụn. Sụn của người già được ghép bằng sụn của người trẻ và còn khả năng tự tái tạo.
Thực tế thì y học đã có thể thực hiện được kỹ thuật này. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể ghép sụn hoặc ghép thành công. Nó thường dùng trong trường hợp số mô sụn bị tổn thương ít và vẫn còn mô khỏe mạnh ở xung quanh. Mục đích của kỹ thuật này chủ yếu chỉ để hạn chế những tổn thương mà tình trạng thoái hóa khớp gây ra. Nó không giúp người ta khôi phục lại khả năng vận động như khi còn trẻ.
Có hai kỹ thuật ghép sụn:
- Ghép tạo hình: Các bác sĩ sẽ dùng mảnh xương nhỏ và sụn ở vị trí khỏe mạnh rồi ghép vào nơi bị hư hỏng. Hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa được làm rõ.
- Ghép tế bào sụn: Tế bào sụn khỏe mạnh sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm. Đến khi nó sinh trưởng đủ số lượng cần thiết, các bác sĩ sẽ mở khớp để khâu che phủ các lỗ thủng trên sụn bằng một màng xương mỏng. Lớp màn này sẽ giúp cho các tế bào sụn được bơm vào không bị tràn ra chỗ khác. Đến nay phương pháp ghép tế bào sụn vẫn còn trong giai đoạn thực nghiệm.
Cách bảo vệ sụn khớp hiệu quả
Thay vì cảm thấy tuyệt vọng khi tìm và biết đáp án câu hỏi sụn khớp có tái tạo lại được không, bạn cần chủ động bảo vệ sụn khớp cho chính bản thân và gia đình ngay từ hôm nay. Các biện pháp này không khó thực hiện. Tuy nhiên, bạn cần kiên trì và xây dựng nó thành thói quen hằng ngày. Cụ thể là:
Tập luyện điều độ
Mỗi ngày bạn nên dành khoảng 60 phút tập luyện thể dục vừa sức. Việc tập luyện không những hỗ trợ hoạt động của sụn khớp mà còn giúp xương chắc khỏe và dẻo dai hơn. Đồng thời, sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn cũng sẽ tốt hơn khi tập thể dục đúng cách và thường xuyên.
Bên cạnh việc tập luyện, bạn cần lưu ý tư thế khi làm việc và hoạt sinh hoạt cho đúng. Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ. Những điều này có ý nghĩa quan trọng trong hạn chế các chấn thương và phòng những bệnh đau nhức xương khớp.
Kiểm soát cân nặng
Bạn nên quan tâm đến cân nặng của mình. Thừa cân sẽ gia tăng áp lực cho hệ thống xương khớp, trong đó có sụn khớp. Bên cạnh đó, quá gầy cũng không tốt cho hoạt động của sụn khớp nói riêng và sức khỏe của toàn cơ thể nói chung. Bởi đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt một số dưỡng chất cần thiết. Trong một số trường hợp thì điều này có nguy cơ gây rối loạn quá trình chuyển hóa chất, nội tiết tố và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của sụn khớp.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Tình trạng thương tổn mô sụn khớp (nếu có) sẽ được điều trị hiệu quả hơn nếu phát hiện sớm. Như đã trình bày, những thương tổn này thường diễn ra âm thầm. Hầu hết các trường hợp phát hiện sớm là nhờ vào thăm khám định kỳ. Do đó, bạn đừng quên kiểm tra hoạt động của xương khớp nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung 6 tháng/1 lần. Hoặc bạn cũng nên đến bác sĩ để kiểm tra khi có những dấu hiệu bất thường về khả năng vận động kéo dài hơn 1 tuần không khỏi.
Ngày Cập nhật 04/06/2024
Cho em hỏi là sụn khớp với sụn mà giúp phát triển chiều cao là một hay khác nhau v ạ