Viêm Phổi Bệnh Viện: Nguyên Nhân, Triệu Chứng và Cách Điều Trị
Viêm phổi bệnh viện là căn bệnh dễ gặp ở khoa hồi sức cấp cứu, có tỷ lệ tử vong và biến chứng cao nhất do phác đồ điều trị bằng kháng sinh đôi khi không hiệu quả. Vậy viêm phổi bệnh viện là gì, dấu hiệu nào để nhận biết, cách điều trị và phòng tránh bệnh ra sao? Mời bạn đọc cùng theo dõi trong bài biết dưới đây.
Viêm phổi bệnh viện là gì? Đối tượng thường mắc bệnh
Viêm phổi bệnh viện là tình trạng bệnh nhân bị mắc viêm phổi sau khoảng 48 giờ nhập viện mà không có các dấu hiệu ủ bệnh trước đó. Đây là căn bệnh phổ biến nhất trong những chứng nhiễm trùng bệnh viện ở khoa Hồi sức, liên quan đến việc sử dụng máy thở hoặc chăm sóc y tế.
Bất cứ ai cũng đều có khả năng nhiễm bệnh khi nhập viện để cấp cứu. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh mãn tính là đối tượng mắc viêm phổi bệnh viện nhiều nhất. Các đối tượng này đều là người có hệ miễn dịch yếu, thường mắc các bệnh cần phải sử dụng thiết bị y tế như máy thở, khí dung, đặt nội khí quản…
Nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện
Vi khuẩn gây viêm phổi bệnh viện hầu hết là các trực khuẩn hiếu khí gram âm. Một số trường hợp là các vi khuẩn gram dương. Trong đó, các chủng vi khuẩn phổ biến nhất phải kể đến:
- Vi khuẩn gram âm: Pseudomonas aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Acinetobacter, Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus spp, Trực khuẩn đường ruột, Serratia, H. influenza…
- Vi khuẩn gram dương: Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumonia
Các tác nhân gây viêm phổi bệnh viện có khả năng đề kháng với nhiều loại kháng sinh mạnh phổ rộng. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Ðại học Y Dược TP.HCM vào năm 2015 đã cho thấy: Trong số những bệnh nhân mắc viêm phổi bệnh viện, có khoảng 41,4% trường hợp là do vi khuẩn không đa kháng và 58,6% đến từ vi khuẩn đa kháng. Với vi khuẩn đa kháng, các chủng thường gặp là gram âm (68%), cao hơn gấp đôi so với các chủng gram dương (32%).
Nhiễm các vi khuẩn có khả năng kháng thuốc sẽ khiến quá trình điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ tử vong vì viêm phổi bệnh viện tăng lên khoảng 30-50%.
Các nghiên cứu cho biết, vi khuẩn gây bệnh chủ yếu xâm nhập vào phổi thông qua một số con đường sau:
- Việc đặt nội khí quản, thở máy, khí dung… để điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp.
- Đặt ống thông dạ dày hoặc tư thế nằm ngửa chếch dưới 30 độ.
- Sử dụng chất đối kháng H2 hoặc chất trung hòa axit dạ dày để dự phòng xuất huyết tiêu hóa.
- Quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn với các dụng cụ y tế và vệ sinh tay kém.
Các triệu chứng của viêm phổi bệnh viện
Khi nhập viện sau khoảng 48 giờ, bệnh nhân bị nghi ngờ mắc viêm phổi bệnh viện nếu có các yếu tố liên quan đến bệnh (tiền sử bệnh, sử dụng dụng cụ y tế) và xuất hiện các triệu chứng lâm sàng:
- Khó thở, đau ngực, tức ngực
- Sốt cao trên 38, 5 độ C hoặc hạ nhiệt cơ thể dưới 35 độ C
- Ho có đờm mủ
- Bạch cầu máu lớn hơn 10.000/mm3 hoặc dưới 1.500/mm3
- Giảm phân áp oxy tại phế nang (PaO2)
Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phổi bệnh viện như sau:
Chẩn đoán nguyên nhân: Phân lập vi khuẩn từ cấy máu hay dịch màng phổi hoặc cấy định lượng đàm đường hô hấp dưới:
- Dịch rửa phế quản phế nang qua nội soi (BAL). > 104 CFU/ml.
- Lấy bệnh phẩm bằng bàn chải có bảo vệ (PBS). > 103 CFU/ml
- Hút khí quản > 105 CFU/ml
Chẩn đoán phân biệt: Tình trạng thâm nhiễm phổi xuất hiện nhưng không do vi khuẩn, phân biệt với tình trạng:
- Hít phải hóa chất vô trùng.
- Xẹp phổi.
- Tắc mạch phổi.
- ARDS.
- Chảy máu phổi.
- Đụng dập phổi.
- Thâm nhiễm u.
- Viêm phổi kẽ sau tia xạ.
- Phản ứng thuốc.
- Viêm phổi tổ chức hóa tắc nghẽn tiểu phế quản.
Ngay khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở sau khoảng 48 giờ nhập viện, bạn cần thông báo tình trạng với các nhân viên y tế ngay. Bởi nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm gây tử vong như:
- Xẹp thùy phổi
- Tràn dịch màng phổi
- Áp xe phổi
- Phù phổi cấp
- Tràn mủ màng phổi
- Viêm màng ngoài tim
- Nhiễm khuẩn huyết
Viêm phổi bệnh viện là một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong cao đối với các bệnh nhân ở khoa Cấp cứu, chỉ đứng ngay sau chứng nhiễm trùng.
Phác đồ điều trị viêm phổi bệnh viện
Việc nuôi cấy vi khuẩn sẽ phải mất vài ngày. Vì vậy, quá trình điều trị thường có hai giai đoạn là sử dụng phác đồ kháng sinh trước và sau khi có kết quả nuôi cấy. Dưới đây là phác đồ điều trị theo Bệnh viện Hữu Nghị:
1. Trước khi có kết quả nuôi cấy vi sinh
Trước khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh theo kinh nghiệm. Các kháng sinh được sử dụng ban đầu sẽ thuộc loại phổ rộng, bao phủ các chủng vi khuẩn gây bệnh chủ yếu. Việc lựa chọn kháng sinh phải dựa trên sự đánh giá các yếu tố nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Phác đồ điều trị dành cho trường hợp viêm phổi bệnh viện có nguy cơ kháng thuốc:
Bệnh nhân được nhận định là thuộc trường hợp kháng thuốc khi có các yếu tố sau:
- Đã dùng kháng sinh hoặc nhập viện điều trị nội trú trong vòng 90 ngày trước đó.
- Thời gian nhập viện đã hơn 5 ngày.
- Thông khí nhân tạo đã được hơn 7 ngày.
- Bệnh nhân mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch.
- Bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại các cơ sở lọc máu hoặc cơ sở y tế tại cộng đồng.
- Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc tại cộng đồng hoặc tại các khoa hồi sức tích cực.
Trong trường hợp này, phác đồ điều trị sẽ lựa chọn các loại kháng sinh:
- Cephalosporin kháng trực khuẩn mủ xanh (Ceftazidim, Cefepim 2g/ mỗi 8 giờ).
- Carbapenem kháng trực khuẩn mủ xanh (imipenem – cilastatin 500mg/mỗi 6 giờ. Meropenem 1-2 g/mỗi 8 giờ ).
- Betalactam và chất ức chế men beta lactamase (Piperacillin-tazobactam 4,5g/mỗi 6 giờ ).
Đồng thời điều trị cần kết hợp với Fluoroquinolon kháng trực khuẩn mủ xanh (ciprofloxacin 400-800mg/ngày, levofloxacin 750mg/tĩnh mạch/ngày) và Aminoglycosid (amikacin, tobramycin). Bệnh nhân sẽ được sử dụng thêm:
- Vancomycin ( 1g/12 giờ truyền bolus tĩnh mạch ).
- Linezolid ( 600mg/ngày) nếu có nguy cơ nhiễm khuẩn do tụ cầu kháng methicillin.
- Azithromycin, Clarithromycin nếu có nguy cơ nhiễm Legionella.
- Nếu đã kháng hoặc điều trị thất bại với nhiều kháng sinh: Cân nhắc sử dụng Colistin ( Colistin phối hợp với sulperazon hoặc Rifampicin).
- Nếu vi khuẩn sinh ESBL thì dùng ngay nhóm carbapenem (imipenem-cilastatin. Meronem, doripenem).
Phác đồ điều trị dành cho trường hợp viêm phổi bệnh viện không có nguy cơ kháng thuốc:
Sau khi đánh giá các nguy cơ kháng thuốc, nếu bệnh nhân không thuộc trường hợp này thì được sử dụng một trong các loại kháng sinh sau:
- Ceftriaxon 2g/ ngày
- Levofloxacin 750mg/ngày
- Moxifloxacin (400mg/ngày), Ampicillin/sulbactam (2-3g/mỗi 6 giờ), Ertapenem (1g/ngày).
2. Sau khi có kết quả nuôi cấy vi sinh
Nếu các triệu chứng bệnh thuyên giảm, xét nghiệm cho thấy kết quả âm tính thì bệnh nhân sẽ ngừng sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp triệu chứng không thay đổi thì xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với loại vi khuẩn và độ nhạy với kháng sinh.
- Do Pseudomonas aeruginosa: Bệnh nhân có thể được sử dụng các loại kháng sinh như Piperacilline/tazobactam, Cefoperazone/sulbactam và Carbapenem (imipenem, meropenem) phối hợp Ciprofloxacin hay Levofloxacin
- Do Acinetobacter: Bệnh nhân được phối hợp điều trị 2-3 loại kháng sinh khác nhau do vi khuẩn này có độ kháng thuốc cao: Colistin, Cefoperazone/sulbactam và Carbapenem (imipenem, meropenem)
- Do Escherichia coli: Bệnh nhân được điều trị bằng Carbapenem (ertapenem, imipenem, meropenem), Cefoperazone/sulbactam hay piperacillin/tazobactam
- Do Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA): Bệnh nhân được chỉ định dùng Vancomycine, Linezolide và Teicoplanin
Nếu bệnh nhân sử dụng các phác đồ trên và triệu chứng thuyên giảm dần thì chỉ cần dùng kháng sinh trong khoảng 7-8 ngày. Riêng với Pseudomonas aeruginosa và Acinetobacter thì cần dùng trong khoảng 15 ngày để giảm tỷ lệ tái phát bệnh.
Trong trường hợp bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, bác sĩ cần hội chẩn đánh giá lại về:
- Phổ kháng sinh, nồng độ kháng sinh
- Chẩn đoán sai, nhầm lẫn với ARDS, ung thư, nhồi máu phổi, xẹp phổi, xuất huyết phổi và các bệnh phổi căn bản khác
- Biến chứng như mủ màng phổi, áp xe phổi, viêm đại tràng màng giả, sốt do thuốc và nhiễm trùng ẩn.
Biện pháp phòng ngừa viêm phổi bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện là bệnh khó chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng tương đồng với nhiều bệnh khác. Các chủng vi khuẩn gây bệnh cũng có khả năng kháng thuốc rất cao dẫn đến việc điều trị khó khăn và tăng tỉ lệ tử vong.
Để giảm tỷ lệ mắc viêm phổi bệnh viện, từ nhân viên y tế đến bệnh nhân cần thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng ngừa sau:
Đối với nhân viên y tế:
- Luôn tham gia các khóa tập huấn được tổ chức định kỳ
- Thực hiện nghiêm chỉnh các bước khử khuẩn cho các thiết bị y tế
- Thường xuyên kiểm tra quá trình bệnh nhân sử dụng các thiết bị trị bệnh
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc cho bệnh nhân
Đối với người thân và bệnh nhân:
- Luôn gối đầu cao hơn 30 – 45 độ trừ những trường hợp chống chỉ định
- Vệ sinh răng miệng đầy đủ cho bệnh nhân
- Thực hiện đầy đủ các bước sát khuẩn, diệt trùng theo yêu cầu của bệnh viện
- Không khạc nhổ bừa bãi tại bệnh viện
Viêm phổi bệnh viện cho đến nay vẫn là một căn bệnh phức tạp và khó điều trị. Các bệnh viện vẫn luôn chủ trương thực hiện nghiêm chỉnh biện pháp phòng tránh để giảm tỷ lệ bệnh vào mỗi năm. Đồng thời, bất cứ ai cũng cần tìm hiểu về căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân khi cần nhập viện để điều trị. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh!
Ngày Cập nhật 31/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!