Bệnh viêm tai giữa ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm tai giữa ở người lớn thường phát triển thành giai đoạn mãn tính và khó điều trị hơn so với trẻ nhỏ. Phần lớn nguyên nhân gây ra bệnh là xuất phát từ việc chủ quan, không chữa trị dứt điểm ở giai đoạn viêm tai giữa cấp trong thời thơ ấu. Điều này cũng khiến bệnh tái phát thường xuyên và có nguy cơ mất thính lực.
Viêm tai giữa ở người lớn là gì? Các giai đoạn của bệnh
Viêm tai giữa là tình trạng ống vòi nhĩ bị viêm, chức năng bị rối loạn, dẫn đến không gian tai giữa bị bị nhiễm trùng. Mặc dù viêm tai giữa là hiện tượng hiếm gặp hơn ở người lớn nhưng tỷ lệ tiến triển thành giai đoạn mãn tính lại cao hơn hẳn so với trẻ em.
Viêm tai giữa ở người lớn bao gồm 2 giai đoạn là viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa mãn tính. Trong mỗi giai đoạn lại phân chia thành nhiều dạng bệnh khác nhau.
Giai đoạn viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa cấp là tình trạng nhiễm trùng tai có các triệu chứng chỉ kéo dài trong khoảng 2 – 3 tuần, nếu từ 3 tuần đến 3 tháng là giai đoạn bán cấp. Tai giữa thường bị nhiễm trùng khi vòi nhĩ hoạt động không đúng cách.
Vòi nhĩ là cơ quan có chức năng là hút các chất dịch ở không gian tai giữa, đảm bảo không gian này luôn được khô thoáng để không bị nhiễm trùng. Nhưng khi chức năng của vòi nhĩ bị rối loạn, không gian tai giữa sẽ bị ứ dịch, lớp niêm mạc, hòm nhĩ và xương chũm cũng bị viêm theo.
Viêm tai giữa cấp bao gồm các dạng:
- Viêm tai giữa cấp thông thường: Khởi phát lần đầu với tình trạng viêm cấp toàn bộ hòm nhĩ và màng nhĩ
- Viêm tai giữa cấp tái phát: Những đợt cấp xảy ra thường xuyên do không được điều trị dứt điểm từ trước
- Viêm tai giữa cấp hoại tử: Biến chứng do bị nhiễm khuẩn từ các bệnh như sởi, cúm, bạch hầu.
Giai đoạn viêm tai giữa mãn tính
Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng nhiễm trùng tai mà các triệu chứng thường kéo dài trên 3 tháng. Tỷ lệ người lớn bị tiến triển thành bệnh viêm tai giữa mãn tính cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Hầu hết là do chủ quan trong việc phòng tránh và điều trị dẫn đến bệnh tái phát nhiều lần. Các dạng viêm tai giữa mãn tính phổ biến ở người lớn bao gồm:
- Viêm tai giữa thanh dịch một bên: Tình trạng không gian tai giữa bị ứ dịch nhầy vô khuẩn mãn tính lâu ngày, kéo dài trong khoảng 1-3 tháng, thường chỉ xảy ra ở một bên tai.
- Viêm tai giữa ứ dịch (tiết dịch): Tình trạng ứ dịch sau một màng tai đóng kín, không có các triệu chứng viêm cấp.
- Viêm tai giữa chảy mủ: Thường xuất hiện ở những người bị viêm xoang, viêm họng
- Viêm tai giữa có cholesteatoma: Một dạng biến chứng của viêm tai giữa, xuất hiện khối viêm mãn tính có thể ăn mòn hệ thống xương con, xương chũm trong tai.
Nguyên nhân gây viêm tai giữa ở người lớn
Cũng giống như ở trẻ em, viêm tai giữa ở người lớn hình thành từ việc vi khuẩn và virus xâm nhập vào tai gây viêm ống vòi nhĩ. Nguyên nhân bị viêm tai giữa cấp ở người lớn chủ yếu là từ các vi sinh vật như: khuẩn phế cầu, Haemophilus Enzae, Moraxella catarrhalis, Streptococcus Pyogenes…
Các vi sinh vật này có thể thuận lợi xâm nhập vào tai nếu tai bị chấn thương do chất cháy nổ, dùng các vật sắc nhọn lấy ráy tai. Hoặc chúng cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh:
- Viêm đường hô hấp: nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (AURI), viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng…
- Viêm nhiễm toàn thân: cúm, sởi…
- Viêm tắc vòi: u xơ vòm, K vòm, nhét mè-che mũi
Viêm tai giữa mãn tính ở người lớn chủ yếu tiến từ việc viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng cách, chữa trị không dứt điểm. Hoặc từ viêm tai giữa cấp hoại tử mà tiến triển thành mãn sớm.
Triệu chứng viêm tai giữa ở người lớn
Dấu hiệu viêm tai giữa cấp ở người lớn có thể xảy ra rầm rộ hơn với với giai đoạn mãn tính. Tùy vào từng dạng bệnh cũng sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau.
Biểu hiện giai đoạn cấp tính:
Viêm tai giữa cấp thường có 4 giai đoạn là xung huyết – xuất tiết – vỡ mủ – hồi phục.
- Xung huyết: Bệnh nhân có thể bị sốt cao từ 39 đến 40 độ C, thấy đau ở sâu trong tai. Khi nội soi thì thấy màng nhĩ đỏ, xung huyết dọc cán búa, khung nhĩ, amidan có thể bị sưng.
- Xuất tiết: Các triệu chứng ở giai đoạn xung huyết trầm trọng hơn. Nội soi tai sẽ thấy màng nhĩ đỏ rực, căng phồng.
- Vỡ mủ: Tai hình thành mủ có thể khiến khả năng nghe ngày càng kém, ù tai, cảm giác tai đau nhiều hơn, một vài trường hợp bị rối loạn tiêu hóa. Khi mủ bị vỡ sẽ thấy dịch chảy đầy ống tai, các triệu chứng giảm dần và màng nhĩ có lỗ thủng.
- Hồi phục: Sau khoảng 2-4 tuần, dịch tai ngừng chảy, thính lực tốt hơn và màng nhĩ hồi phục như ban đầu.
Ở những người bị sởi, cúm hoặc bạch hầu cần đề phòng viêm tai giữa cấp hoại tử. Nếu nhận thấy các triệu chứng như đau tai, đau lan lên thái dương và nửa đầu, cảm giác ù tai và chóng mặt, ấn mặt xương chũm thường có phản ứng đau… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám.
Dấu hiệu bị viêm tai giữa mãn tính ở người lớn
Viêm tai giữa mãn tính có các triệu chứng không rầm rộ như ở giai đoạn cấp tính. Người bệnh sẽ cảm thấy ít bị đau tai nhưng dịch tai thì ứ đọng và chảy dai dẳng trong nhiều tháng. Một vài dạng viêm tai giữa mãn tính nguy hiểm ở người lớn sẽ có dấu hiệu đặc trưng dễ nhận biết:
- Viêm tai giữa thanh dịch: Ngạt mũi, chảy dịch mũi, ho, màng nhĩ đục, tai giữa có bóng dịch, thính lực suy giảm nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn.
- Viêm tai giữa ứ dịch: Tai có cảm giác đầy, nặng, các chất dịch tích tụ phía sau màng nhĩ đóng kín. Nội soi thấy dịch trong lẫn bóng khí, dịch vàng nhạt, dịch vàng sẫm, dịch xanh hay nâu đen.
- Viêm tai giữa chảy mủ: Trong tai tích tụ mủ nhầy, mủ chảy nhiều hơn sau những đợt cấp của viêm mũi, viêm họng.
- Viêm tai giữa có cholesteatoma: Tai xuất hiện mủ trắng như bã đậu, có mùi hôi, nội soi thấy lỗ thủng màng tai ở vị trí sát khung xương, có bờ nham nhở.
Các dạng viêm tai mãn tính rất dễ tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm màng não, liệt dây thần kinh VII gây liệt cơ mặt, viêm tắc xoang tĩnh mạch sigma…Thậm chí là có khả năng bị điếc hoàn toàn do thủng màng nhĩ. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu của viêm tai giữa mãn tính, người bệnh cần đến các chuyên khoa tai mũi họng điều trị nhanh chóng.
Cách chữa viêm tai giữa ở người lớn dứt điểm
Phương pháp điều trị viêm tai giữa cấp ở người lớn được cân nhắc tùy theo từng cấp độ. Đối với tình trạng viêm cấp tính, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc điều trị nội khoa có chỉ định của bác sĩ. Khi bệnh đã diễn tiến thành viêm tai giữa mãn tính, bên cạnh thuốc, người bệnh có thể cần dùng đến các biện pháp ngoại khoa như phẫu thuật, châm cứu…
Thuốc tây y chữa viêm tai giữa cho người lớn
Sau khi nội soi tai để xem xét biểu hiện lâm sàng và mức độ xuất hiện các triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng một số loại thuốc kháng sinh diệt khuẩn và điều trị triệu chứng:
- Thuốc kháng khuẩn: Amoxicillin, Azithromycin, Cefdinir, Cefuroxim, Clarithromycin, Clindamycin…
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen, Ibuprofen
- Thuốc nhỏ tai: Ciprofloxacin, Hydrocortison, Ofloxacin
Thông thường, các loại thuốc này sẽ được chỉ định dùng trong khoảng 5-10 ngày. Điều trị nội khoa sẽ ngừng sau khi triệu chứng thuyên giảm và nội soi tai thấy màng nhĩ phục hồi. Phần lớn dịch tai sẽ tiếp tục chảy sau khoảng 1-2 tuần rồi mới ngừng hẳn.
Các loại thuốc được phối kết hợp dựa trên thể trạng, độ tuổi và mức độ xuất hiện các triệu chứng. Mỗi bệnh nhân có diễn tiến bệnh khác nhau sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Do đó, bệnh nhân phải đến bệnh viện thăm khám trực tiếp và không được tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Phẫu thuật điều trị viêm tai giữa ở người lớn
Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật vá màng nhĩ nếu màng nhĩ bị thủng lớn do áp lực của dịch tai. Phẫu thuật trích màng nhĩ được thực hiện nhằm cho dịch tai thoát ra ngoài, giúp tai giữa mau khô thoáng. Thủ thuật đặt ống thông khí vào tai thường được áp dụng cho viêm tai giữa thanh dịch và ứ dịch nhằm dẫn lưu dịch tai và hồi phục thính lực.
Người bệnh bắt buộc phải thực hiện phẫu thuật nếu xuất hiện cholesteatoma ở tai giữa. Nếu không thực hiện điều trị ngoại khoa, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nguy hiểm như áp xe não, viêm màng não, thậm chí là tử vong.
Cách điều trị viêm tai giữa dành cho người lớn theo đông y
Đông y quan điểm viêm tai giữa là bệnh hình thành do phong nhiệt và nhiệt độc xâm vào kinh can đởm. Để trị viêm tai giữa dứt điểm thì cần sử dụng các dược liệu có khả năng đi sâu vào kinh can đởm, giúp phục hồi chức năng và tiêu viêm trừ mủ.
- Thể viêm tai giữa cấp tính là do phong nhiệt, phải dùng phép sơ phong thanh nhiệt để điều trị. Người bệnh có thể sử dụng bài thuốc Sài hồ thanh can thang gia giảm, Long đởm tả can thang gia giảm.
- Thể viêm tai mãn tính là do nhiệt độc, muốn trị thì dùng phép thanh can lợi thấp (do can kinh thấp nhiệt), bổ thận thông khiếu (do âm hư hỏa vượng) và kiện tỳ hóa thấp (do tỳ hư). Bệnh nhân có thể sử dụng các bài thuốc như: Tri bá địa hoàng hoàn gia giảm, Thanh tỳ thang gia giảm, Sâm linh bạch truật tán gia giảm.
Bên cạnh điều trị bằng thuốc uống, người bệnh nên kết hợp cùng liệu pháp châm cứu và rắc thuốc bột được điều chế từ thảo dược. Các biện pháp này có tác dụng giúp giảm sưng viêm và làm khô dịch tai nên sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị viêm tai.
Để chữa bệnh an toàn, người bệnh nên tìm hiểu và lựa chọn những trung tâm, nhà thuốc đông y uy tín, đảm bảo thuốc có chất lượng và phương pháp châm cứu được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao.
Phòng tránh viêm tai giữa cho người lớn
Tuy viêm tai giữa ở người lớn không quá nguy hiểm nhưng bệnh thường tiến triển thành mãn tính, kéo dài dai dẳng và gây nhiều cản trở trong công việc cũng như sinh hoạt đời sống thường ngày. Vậy nên, bạn đọc cần chủ động phòng tránh viêm tai giữa bằng các biện pháp sau:
- Không sử dụng các vật sắc nhọn ngoáy ráy tai, dễ gây xước niêm mạc tai
- Vệ sinh tai sạch sẽ mỗi ngày bằng bông ngoáy tai y tế, có thể tẩm thêm oxy già hoặc nước muối sinh lý
- Khi bơi lội hoặc tắm rửa xong, sử dụng khăn và bông ngoáy tai thấm sạch nước, giữ tai trong luôn khô ráo
- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông để phòng tránh cảm lạnh, cảm cúm
- Chữa trị các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang tận gốc để tránh biến chứng thành viêm tai giữa
- Khi bị viêm tai cấp tính cần chữa trị tận gốc để tránh chuyển biến sang giai đoạn mãn tính
Viêm tai giữa ở người lớn hầu hết là ở tình trạng mãn tính và bệnh thường kéo dài dai dẳng, thậm chí là trong nhiều năm. Người bệnh không nên chủ quan mà cần điều trị dứt điểm ngay từ đầu, phòng tránh bệnh diễn tiến sang các biến chứng gây hại nghiêm trọng đến thính lực nói riêng và sức khỏe nói chung.
Ngày Cập nhật 29/05/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!