Chu kỳ kinh nguyệt là gì? Cách tính chu kỳ kinh nguyệt
Là phụ nữ, việc biết cách tính chu kỳ kinh nguyệt sẽ giúp cho chúng ta nắm rõ thời gian hành kinh của mình, biết được những thay đổi bất thường về sức khỏe phụ khoa để kịp thời can thiệp. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn hiểu thế nào là chu kỳ kinh nguyệt và cách tính chu kỳ kinh như thế nào.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là sự lặp lại của kinh nguyệt vào các tháng, bắt đầu từ khi phụ nữ bước vào giai đoạn dậy thì đến giai đoạn mãn kinh. Một chu kỳ được tính từ ngày đầu hành kinh (ra máu kinh) của tháng này đến ngày đầu hành kinh của tháng kế tiếp.
Thông thường, một chu kỳ sẽ kéo dài từ 28 đến 30 ngày, thời gian hành kinh từ 3 đến 5 ngày, lượng máu kinh trung bình khoảng 50ml đến 80ml. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, kinh nguyệt bất thường, rối loạn kinh nguyệt cũng có thể kéo dài hơn với lượng máu kinh nhiều hoặc ít hơn.
Mỗi người có một chu kỳ riêng phụ thuộc vào sự điều khiển của hormone, nội tiết tố và hoạt động của buồng trứng.
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt thông thường
Một chu kỳ được coi là bình thường nếu vòng kinh từ 28 – 32 ngày và khi đó ngày rụng trứng (phóng noãn) sẽ rơi vào khoảng ngày thứ 14 – 15 của chu kỳ, tức là vào giữa tháng. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu thấy kinh đến ngày đầu hành kinh của tháng kế tiếp. Việc tính chính xác được thời điểm “ngày đèn đỏ ghé thăm” cho phép bạn theo dõi xem liệu mình có bị rối loạn kinh nguyệt, bệnh phụ khoa hay không. Ngoài ra, để quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi, bạn phải tính ngày quan hệ đúng chu kỳ rụng trứng, ngày hành kinh để tăng tỷ lệ mang thai thành công.
Một chu kỳ kinh nguyệt được chia thành 3 thời điểm: Thời điểm an toàn tương đối, thời điểm nguy hiểm và thời điểm an toàn tuyệt đối. Dựa vào những thời điểm này mà người phụ nữ có thể tính được ngày quan hệ an toàn để dễ thụ thai hay tránh thai.
- Thời điểm an toàn tuyệt đối: Là thời điểm có thể quan hệ tình dục mà không cần lo lắng về khả năng thụ thai. Thời gian an toàn được tính từ ngày thứ 20 của chu kỳ cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Tuy nhiên, khả năng thụ thai ở thời điểm này thấp nhưng không có nghĩa là không có. Ở một số trường hợp rụng trứng sớm, trứng vẫn có thể gặp tinh trùng.
- Thời điểm nguy hiểm: Ngày rụng trứng sẽ rơi vào giữa chu kỳ kinh nguyệt. Thời điểm nguy hiểm chính là trước hoặc sau 5 ngày tính từ ngày rụng trứng.Thời điểm này, trứng bắt đầu rụng và dễ thụ thai nhất. Vì vậy, cần tránh quan hệ trong thời gian này nếu chưa muốn có thai.
- Thời điểm an toàn tương đối: Nếu bạn quan hệ tình dục trong thời điểm này thì khả năng thụ thai vẫn có thể. Thời gian an toàn được tính từ ngày thứ nhất của kỳ kinh (ngày bắt đầu hành kinh) đến ngày thứ 9 của chu kỳ hàng tháng. Thời điểm này, trứng sắp rụng nhưng tinh trùng lại chỉ có thể sống trong cơ thể người phụ nữ từ 2 đến 3 ngày, vì vậy có thể hạn chế khả năng thụ thai.
Nhìn chung, có thể tóm gọn các bước tính chu kỳ như sau:
Bước 1: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, đánh dấu lại ngày bắt đầu hành kinh trong tháng là ngày bắt đầu diễn ra chu kỳ.
Bước 2: Theo dõi tiếp và đánh dấu ngày hành kinh ở tháng tiếp theo, đây là ngày kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.
Bước 3: Sau hai bước trên, bạn đã xác định được ngày bắt đầu và kết thúc khi hành kinh. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng xác định được số ngày trong chu kỳ kinh của mình.
Bước 4: Lặp lại quá trình theo dõi này liên tục 6 tháng tiếp theo để tính được chu kỳ trung bình và bạn sẽ xác định được ngày hành kinh tiếp theo cũng như những thời điểm an toàn tương đối, an toàn tuyệt đối và thời điểm nguy hiểm.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp cho bạn hiểu thêm về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân và cách tính sao cho chính xác phục vụ cho những dự định như sinh con, thăm khám,… Đây cũng là cách chúng ta tự bảo vệ sức khỏe bản thân, phòng tránh được những bệnh nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh dục.
Ngày Cập nhật 06/06/2024
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!